Trong quá trình thực hiện hợp đồng, các chủ thể có quyền điều chỉnh hợp đồng hay không? Nếu có thì điều chỉnh hợp đồng khi nào? Điều kiện để áp dụng điều khoản điều chỉnh hợp đồng là gì? Trong bài viết này, Luật LawKey sẽ chia sẻ, giải đáp giúp bạn.
Có thể điều chỉnh hợp đồng trong quá trình thực hiện hợp đồng không?
Pháp luật quy định các bên có quyền thỏa thuận về những điều khoản của hợp đồng do đó khi được sự đồng ý của các chủ thể giao kết hợp đồng thì hợp đồng có thể được điều chỉnh. Tuy nhiên, bài viết này chỉ đề cập đến việc điều chỉnh các điều khoản của hợp đồng theo quy định của pháp luật.
Hiện nay, việc điều chỉnh hợp đồng không được quy định rõ ràng, thống nhất mà phụ thuộc vào quy định trong các văn bản của từng lĩnh vực pháp luật khác nhau. Ví dụ:
– Khoản 2 Điều 143 Luật xây dựng 2014 quy định về các trường hợp điều chỉnh hợp đồng xây dựng.
– Điều 67 Luật đấu thầu 2013 quy định về nguyên tắc điều chỉnh hợp đồng với nhà thầu.
Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 2 Điều 420 Bộ luật dân sự 2015 thì bên có lợi ích bị ảnh hưởng có quyền yêu cầu bên kia đàm phán lại hợp đồng trong một thời hạn hợp lý trong trường hợp hoàn cảnh thay đổi cơ bản. Theo đó, để áp dụng điều khoản điều chỉnh hợp đồng thì phải thuộc trường hợp hoàn cảnh thay đổi cơ bản.
Như vậy, theo tinh thần chung của Bộ luật dân sự thì khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản, một bên có quyền yêu cầu bên kia điều chỉnh lại hợp đồng trong quá trình thực hiện hợp đồng.
Điều kiện áp dụng điều khoản điều chỉnh hợp đồng
Để có thể áp dụng điều khoản điều chỉnh hợp đồng, bên bị thiệt hại phải chứng minh được các điều kiện sau đây:
– Sự thay đổi hoàn cảnh do nguyên nhân khách quan xảy ra sau khi giao kết hợp đồng: Sự thay đổi hoàn cảnh thực hiện hợp đồng không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của các bên trong hợp đồng. Ví dụ, thay đổi trong quy định của pháp luật,…
– Tại thời điểm giao kết hợp đồng, các bên không thể lường trước được về sự thay đổi hoàn cảnh: Hoàn cảnh thay đổi xảy ra sau khi hợp đồng đã được giao kết và các bên không thể lường trước được sự thay đổi này. Nghĩa là, sự thay đổi của hoàn cảnh nằm ngoài ý chí của các bên.
– Hoàn cảnh thay đổi lớn đến mức nếu như các bên biết trước thì hợp đồng đã không được giao kết hoặc được giao kết nhưng với nội dung hoàn toàn khác: Điều này có nghĩa là, nếu các bên biết trước sự thay đổi của hoàn cảnh mà vẫn giao kết hợp đồng với nội dung trước đó thì hợp đồng sẽ không thể thực hiện được hoặc việc thực hiện hợp đồng sẽ gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên.
– Việc thay đổi hoàn cảnh thực hiện hợp đồng dẫn đến các bên buộc phải thay đổi nội dung của hợp đồng đã được giao kết trước đó: Nếu như không thay đổi nội dung của hợp đồng thì sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho một bên. Thiệt hại nghiêm trọng được đề cập ở đây được hiểu là nếu thiệt hại xảy ra, thì một trong các bên không đạt được mục đích giao kết hợp đồng.
– Bên có lợi ích bị ảnh hưởng đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng cho phép, phù hợp với tính chất của hợp đồng mà không thể ngăn chặn, giảm thiểu mức độ ảnh hưởng đến lợi ích: Khi bên có lợi ích bị ảnh hưởng đưa ra yêu cầu thay đổi nội dung của hợp đồng thì phải chứng minh đầy đủ các điều kiện, đặc biệt phải chứng minh mình đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết mà vẫn không thể ngăn chặn, giảm thiểu mức độ ảnh hưởng đến lợi ích từ sự thay đổi đó.
Thời gian áp dụng điều khoản điều chỉnh hợp đồng
Khoản 2 Điều 420 Bộ luật dân sự quy định: “Trong trường hợp hoàn cảnh thay đổi cơ bản, bên có lợi ích bị ảnh hưởng có quyền yêu cầu bên kia đàm phán lại hợp đồng trong một thời hạn hợp lý.”
Như vậy, Luật không quy định một thời hạn cụ thể mà chỉ quy định “trong một thời hạn hợp lý” kể từ khi sự thay đổi của hoàn cảnh diễn ra trên thực tế. Nếu hết thời hạn được coi là hợp lý đó mà bên có lợi ích bị ảnh hưởng không yêu cầu bên kia đàm phán lại thì coi như họ đã không có nhu cầu đàm phán để thay đổi nội dung của hợp đồng và phải chấp nhận thiệt hại xảy ra nếu có.
Trên đây là nội dung bài viết Điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thực hiện hợp đồng thay đổi cơ bản. Nếu có vướng mắc trong quá trình giải quyết hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn nhanh nhất 1900252511.
Xem thêm:
Những điểm đáng chú ý của Bộ luật dân sự
Áp dụng chế tài phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại khi vi phạm hợp đồng