Khi thành lập doanh nghiệp ngoài giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp còn cần xin giấy phép kinh doanh. Vậy giấy phép kinh doanh là gì?
Giấy phép kinh doanh là gì
Giấy phép kinh doanh (GPKD) là loại giấy được cấp cho các doanh nghiệp có kinh doanh ngành nghề có điều kiện, loại giấy này thông thường được cấp sau Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Giấy phép kinh doanh là điều kiện cần và đủ để cho cá nhân/tổ chức hoạt động trong một ngành nghề kinh doanh có điều kiện nhất định được phép hoạt động kinh doanh hợp pháp. Giấy phép kinh doanh là chứng nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với cơ sở kinh doanh đó và là cơ sở giúp cho cơ quan quản lý nhà nước quản lý trật tự xã hội về điều kiện kinh doanh được dễ dàng hơn.
Đối tượng cấp Giấy phép kinh doanh
Đối tượng cấp GPKD là doanh nghiệp, tổ chức kinh tế trong nước, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.
Tổ chức doanh nghiệp trong nước kinh doanh có điều kiện
Tổ chức doanh nghiệp trong nước nếu đăng ký ngành nghề kinh doanh có điều kiện phải đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh của ngành nghề đó mới được phép kinh doanh.
Các ngành nghề kinh doanh có điều kiện ví dụ như:
Bán lẻ rượu phải xin giấy phép bán lẻ rượu
Cơ sở kinh doanh thực phẩm, quán cà phê, nhà hàng phải xin giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Và còn rất nhiều ngành nghề kinh doanh có điều kiện cần phải có giấy phép trước khi kinh doanh.
Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài
Theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định 09/2018/NĐ-CP, GPKD được cấp cho tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện các hoạt động sau:
– Thực hiện quyền phân phối bán lẻ hàng hóa, trừ hàng hóa là gạo; đường; vật phẩm đã ghi hình; sách, báo và tạp chí;
– Thực hiện quyền nhập khẩu, quyền phân phối bán buôn hàng hóa là dầu, mỡ bôi trơn;
– Thực hiện quyền phân phối bán lẻ hàng hóa là gạo; đường; vật phẩm đã ghi hình; sách, báo và tạp chí;
– Cung cấp dịch vụ logistics; trừ các phân ngành dịch vụ logistics mà Việt Nam có cam kết mở cửa thị trường trong các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên;
– Cho thuê hàng hóa, không bao gồm cho thuê tài chính; trừ cho thuê trang thiết bị xây dựng có người vận hành;
– Cung cấp dịch vụ xúc tiến thương mại, không bao gồm dịch vụ quảng cáo;
– Cung cấp dịch vụ trung gian thương mại;
– Cung cấp dịch vụ thương mại điện tử;
– Cung cấp dịch vụ tổ chức đấu thầu hàng hóa, dịch vụ.
Hồ sơ cấp giấy phép kinh doanh
– Tùy vào từng loại giấy chứng nhận/giấy xác nhận/Giấy phép mà có thành phần hồ sơ khác nhau. Dưới đây là thành phần hồ sơ cấp phép của Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hộ kinh doanh cá thể:
Hồ sơ cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
1. Giấy đề nghị đăng ký thành lập công ty TNHH 1 Thành viên theo mẫu thống nhất do cơ quan đăng ký kinh doanh có thẩm quyền quy định.
2. Dự thảo Điều lệ công ty.
3. Chuẩn bị giấy tờ của thành viên như sau đây:
a) Đối với thành viên là cá nhân: bản sao Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác;
b) Đối với thành viên là tổ chức: bản sao quyết định thành lập, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc tài liệu tương đương khác của tổ chức; văn bản uỷ quyền, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của người đại diện theo uỷ quyền.
Đối với thành viên là tổ chức nước ngoài thì bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh phải có chứng thực của cơ quan nơi tổ chức đó đã đăng ký không quá ba tháng trước ngày nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh.
4. Văn bản xác nhận vốn pháp định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đối với công ty kinh doanh ngành, nghề mà theo quy định của pháp luật phải có vốn pháp định.
5. Chứng chỉ hành nghề của Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và cá nhân khác đối với công ty kinh doanh ngành, nghề mà theo quy định của pháp luật phải có chứng chỉ hành nghề.
Hồ sơ cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hộ kinh doanh cá thể
– Giấy đề nghị đăng ký kinh doanh hộ kinh doanh cá thể. Mẫu giấy đề nghị được cung cấp tại Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp Huyện nơi đặt hộ kinh doanh cá thể.
– Bản sao giấy chứng minh nhân dân của cá nhân hoặc đại diện hộ kinh doanh;
– Hợp đồng thuê địa điểm mở hộ kinh doanh
Thời hạn của giấy phép kinh doanh
– Thời hạn tồn tại của giấy phép kinh doanh sẽ do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ghi vào giấy phép. Đối với doanh nghiệp trong nước thì giấy phép kinh doanh có thời hạn cấp theo quy định của pháp luật,và theo quy định của cơ quan quản lý chuyên ngành.
– Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cá thể thông thường là 50 năm hoặc tùy theo nhu cầu đăng ký giấy phép kinh doanh của cơ sở. Khi hết thời hạn thì chủ cơ sở tiến hành thủ tục gia hạn.
Pingback: Trình tự xin giấy phép phòng cháy chữa cháy theo quy định