Kéo dài thời hạn nâng lương quá 12 tháng có được không?

Trong trường hợp công ty xử lý kỷ luật lao động người lao động mà kéo dài thời hạn nâng lương quá 12 tháng có được không? Nếu người lao động không đồng ý thì phải làm thế nào?

Tư vấn lao động Lawkey xin trả lời như sau:

Kéo dài thời hạn nâng lương quá 12 tháng có được không?

Điều 125 Bộ luật Lao động 2012 quy định về các hình thức kỷ luật lao động mà người sử dụng lao động được phép thực hiện như sau:

“Điều 125. Hình thức xử lý kỷ luật lao động

  1. Khiển trách.
  2. Kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng; cách chức.
  3. Sa thải”

Như vậy, nếu công ty xử lý kỷ luật lao động người lao động với hình thức là kéo dài thời hạn nâng lương quá 12 tháng là trái với quy định của pháp luật.

Không đồng ý quyết định kỷ luật thì cần làm gì?

Theo quy định tại Điều 15 Nghị định 24/2018/NĐ-CP, trước hết, người lao động yêu cầu người sử dụng lao động có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định của mình. Thời hiệu khiếu nại là 180 ngày, kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định (khoản 1 Điều 7 Nghị định 24/2018/NĐ-CP).

Trường hợp không đồng ý hoặc quá 30 ngày mà người sử dụng lao động không giải quyết thì người lao động được quyền khiếu nại tới Chánh Thanh tra Sở Lao động Thương binh và Xã hội, nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc hết thời hạn khiếu nại mà không có kết quả giải quyết khiếu nại thì người khiếu nại có quyền khởi kiện tại tòa án.

Lưu ý về những nghĩa vụ đối với người khiếu nại khi khởi kiện ra tòa án:

  • Thực hiện khiếu nại theo đúng trình tự, thủ tục quy định;
  • Trình bày trung thực sự việc, đưa ra chứng cứ về việc khiếu nại; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan cho người giải quyết khiếu nại; chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung trình bày và việc cung cấp thông tin, tài liệu đó;
  • Chấp hành nghiêm chỉnh quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật.
  • Người khiếu nại thực hiện quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật