Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là một trong những loại hình doanh nghiệp phổ biến hiện nay. Công ty TNHH một thành viên do một tổ chức hoặc do một cá nhân làm chủ – chủ sở hữu công ty, chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vôn điều lệ công ty. Vậy theo quy định của pháp luật thì chủ sở hữu công ty TNHH 1 thành viên co những quyền và nghĩa vụ gì.
1. Quyền của chủ sở hữu công ty TNHH 1 thành viên
Chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên là tổ chức có các quyền sau đây:
– Quyết định nội dung Điều lệ công ty, sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty;
– Quyết định chiến lược phát triển và kế hoạch kinh doanh hằng năm của công ty;
– Quyết định cơ cấu tổ chức quản lý công ty, bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm người quản lý công ty;
– Quyết định dự án đầu tư phát triển;
– Quyết định các giải pháp phát triển thị trường, tiếp thị và công nghệ;
– Thông qua hợp đồng vay, cho vay và các hợp đồng khác do Điều lệ công ty quy định có giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty hoặc một tỷ lệ hoặc giá trị khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty;
– Quyết định bán tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty hoặc một tỷ lệ hoặc giá trị khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty;
– Quyết định tăng vốn điều lệ của công ty; chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ của công ty cho tổ chức, cá nhân khác;
– Quyết định thành lập công ty con, góp vốn vào công ty khác;
– Tổ chức giám sát và đánh giá hoạt động kinh doanh của công ty;
– Quyết định việc sử dụng lợi nhuận sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác của công ty;
– Quyết định tổ chức lại, giải thể và yêu cầu phá sản công ty;
– Thu hồi toàn bộ giá trị tài sản của công ty sau khi công ty hoàn thành giải thể hoặc phá sản;
– Quyền khác theo quy định Điều lệ công ty:
+ Chủ sở hữu công ty quyết định mức thù lao, tiền lương và lợi ích khác của thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty và Kiểm soát viên. Thù lao, tiền lương và lợi ích khác của người quản lý công ty và Kiểm soát viên được tính vào chi phí kinh doanh theo quy định của pháp luật về thuế, pháp luật có liên quan và được thể hiện thành mục riêng trong báo cáo tài chính hằng năm của công ty.
*Thực hiện quyền của chủ sở hữu công ty trong một số trường hợp đặc biệt
– Trường hợp chủ sở hữu công ty chuyển nhượng, tặng cho một phần vốn điều lệ cho tổ chức hoặc cá nhân khác hoặc công ty kết nạp thêm thành viên mới: công ty phải tổ chức hoạt động theo loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên hoặc công ty cổ phần và đồng thời thực hiện đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp với Cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hoàn thành việc chuyển nhượng, tặng cho hoặc kết nạp thành viên mới.
– Trường hợp chủ sở hữu công ty là cá nhân bị tạm giam, bị kết án tù hoặc bị Tòa án tước quyền hành nghề theo quy định của pháp luật: ủy quyền cho người khác thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu công ty.
– Trường hợp chủ sở hữu công ty là cá nhân chết: Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật là chủ sở hữu hoặc thành viên của công ty, đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày kết thúc việc giải quyết thừa kế.
– Trường hợp chủ sở hữu công ty là cá nhân bị hạn chế hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự: quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu công ty được thực hiện thông qua người giám hộ.
– Trường hợp chủ sở hữu công ty là tổ chức bị giải thể hoặc phá sản : người nhận chuyển nhượng phần vốn góp của chủ sở hữu sẽ trở thành chủ sở hữu hoặc thành viên công ty. Công ty phải tổ chức hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tương ứng và đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp.
2. Nghĩa vụ của chủ sở hữu công ty TNHH 1 thành viên
Cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu công ty TNHH 1 thành viên có các nghĩa vụ sau đây:
– Góp đầy đủ và đúng hạn vốn điều lệ công ty.
Chủ sở hữu chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty, thiệt hại xảy ra do không góp, không góp đủ, không góp đúng hạn vốn điều lệ.
– Tuân thủ Điều lệ công ty.
– Phải xác định và tách biệt tài sản của chủ sở hữu công ty và tài sản của công ty. Chủ sở hữu công ty là cá nhân phải tách biệt các chi tiêu của cá nhân và gia đình mình với các chi tiêu trên cương vị là Chủ tịch công ty và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.
– Tuân thủ quy định của pháp luật về hợp đồng và pháp luật có liên quan trong việc mua, bán, vay, cho vay, thuê, cho thuê và các giao dịch khác giữa công ty và chủ sở hữu công ty.
– Chủ sở hữu công ty chỉ được quyền rút vốn bằng cách chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ cho tổ chức hoặc cá nhân khác; trường hợp rút một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ đã góp ra khỏi công ty dưới hình thức khác thì chủ sở hữu và cá nhân, tổ chức có liên quan phải liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty.
– Chủ sở hữu công ty không được rút lợi nhuận khi công ty không thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác đến hạn.
– Thực hiện nghĩa vụ khác theo quy định của Điều lệ công ty.
Trên đây là bài viết quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu công ty TNHH 1 thành viên. Quý khách hàng có mong muốn sử dụng dịch vụ thành lập doanh nghiệp vui lòng liên hệ trực tiếp LawKey.
>>> Xem thêm: Thế nào là vốn điều lệ và vốn pháp định