Hợp tác xã không phải là một loại hình doanh nghiệp. Vậy hợp tác xã là gì? Cơ cấu tổ chức ra sao? Và pháp luật quy định thế nào về hợp tác xã? Trong bài viết này, Luật LawKey sẽ chia sẻ với bạn về những vấn đề cơ bản cần biết về hợp tác xã.
Hợp tác xã là gì?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Hợp tác xã 2012 thì: “Hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 07 thành viên tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý hợp tác xã.”
Đặc điểm của hợp tác xã
Hợp tác xã có những đặc điểm cơ bản sau:
– Về bản chất: hợp tác xã là tổ chức kinh tế mang tính xã hội
– Về thành viên: hợp tác xã do ít nhất 07 thành viên tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau, thành viên của hợp tác xã có thể là cá nhân hoặc tổ chức.
– Về nguyên tắc hoạt động: hợp tác xã được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
– Về tư cách pháp lý: hợp tác xã có tư cách pháp nhân.
– Về phân phối thu nhập: hợp tác xã thực hiện việc phân phối thu nhập cho các thành viên theo lao động, theo vốn góp và theo mức độ sử dụng dịch vụ của hợp tác xã.
Xem thêm: Đặc điểm của hợp tác xã
Nguyên tắc tổ chức, hoạt động của hợp tác xã
Hợp tác xã được tổ chức và hoạt động theo những nguyên tắc sau đây:
1. Cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân tự nguyện thành lập, gia nhập, ra khỏi hợp tác xã.
2. Hợp tác xã xã kết nạp rộng rãi thành viên.
3. Thành viên có quyền bình đẳng, biểu quyết ngang nhau không phụ thuộc vốn góp trong việc quyết định tổ chức, quản lý và hoạt động của hợp tác xã; được cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác về hoạt động sản xuất, kinh doanh, tài chính, phân phối thu nhập và những nội dung khác theo quy định của điều lệ.
4. Hợp tác xã tự chủ, tự chịu trách nhiệm về hoạt động của mình trước pháp luật.
5. Thành viên, hợp tác xã có trách nhiệm thực hiện cam kết theo hợp đồng dịch vụ và theo quy định của điều lệ. Thu nhập của hợp tác xã được phân phối chủ yếu theo mức độ sử dụng sản phẩm, dịch vụ của thành viên hoặc theo công sức lao động đóng góp của thành viên đối với hợp tác xã tạo việc làm.
6. Hợp tác xã quan tâm giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng cho thành viên, cán bộ quản lý, người lao động trong hợp tác xã và thông tin về bản chất, lợi ích của hợp tác xã.
7. Hợp tác xã chăm lo phát triển bền vững cộng đồng thành viên và hợp tác với nhau nhằm phát triển phong trào hợp tác xã trên quy mô địa phương, vùng, quốc gia và quốc tế.
Mô hình tổ chức của hợp tác xã
Cơ cấu tổ chức hợp tác xã gồm đại hội thành viên, hội đồng quản trị, giám đốc (tổng giám đốc) và ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên.
Đại hội thành viên
Đại hội thành viên là cơ quan có quyền quyết định cao nhất của hợp tác xã. Đại hội thành viên gồm đại hội thành viên thường niên và đại hội thành viên bất thường. Đại hội thành viên được tổ chức dưới hình thức đại hội toàn thể hoặc đại hội đại biểu.
Hội đồng quản trị
Hội đồng quản trị hợp tác xã là cơ quan quản lý hợp tác xã do hội nghị thành lập hoặc đại hội thành viên bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm theo thể thức bỏ phiếu kín. Hội đồng quản trị gồm chủ tịch và thành viên, số lượng thành viên hội đồng quản trị do điều lệ quy định nhưng tối thiểu là 03 người, tối đa là 15 người.
Nhiệm kỳ của hội đồng quản trị hợp tác xã do điều lệ hợp tác xã quy định nhưng tối thiểu là 02 năm, tối đa là 05 năm.
Giám đốc (tổng giám đốc)
Giám đốc (tổng giám đốc) là người điều hành hoạt động của hợp tác xã.
Giám đốc (tổng giám đốc) có quyền hạn và nhiệm vụ sau đây:
– Tổ chức thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã;
– Thực hiện nghị quyết của đại hội thành viên, quyết định của hội đồng quản trị;
– Ký kết hợp đồng nhân danh hợp tác xã theo ủy quyền của chủ tịch hội đồng quản trị;
– Trình hội đồng quản trị báo cáo tài chính hằng năm;
– Xây dựng phương án tổ chức bộ phận giúp việc, đơn vị trực thuộc của hợp tác xã trình hội đồng quản trị quyết định;
– Tuyển dụng lao động theo quyết định của hội đồng quản trị;
– Thực hiện quyền hạn và nhiệm vụ khác được quy định tại điều lệ, quy chế của hợp tác xã.
Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên
Không phải mọi hợp tác xã đều phải thành lập Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên. Luật hợp tác xã quy định hợp tác xã có từ 30 thành viên trở lên phải bầu ban kiểm soát, đối với hợp tác xã có dưới 30 thành viên việc thành lập ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên do điều lệ quy định.
Ban kiểm soát, kiểm soát viên hoạt động độc lập, kiểm tra và giám sát hoạt động của hợp tác xã.
Ban kiểm soát, kiểm soát viên do đại hội thành viên bầu trực tiếp trong số thành viên theo thể thức bỏ phiếu kín. Số lượng thành viên ban kiểm soát do đại hội thành viên quyết định nhưng không quá 07 người.
Trên đây là nội dung bài viết Hợp tác xã và những vấn đề cần biết về hợp tác xã. Hãy liên hệ ngay để được tư vấn miễn phí từ luật sư giỏi nhất của chúng tôi. 0967.59.1128 hoặc 024.665.65.366
Xem thêm:
Quy định pháp luật về Điều lệ doanh nghiệp/công ty
Một số lưu ý khi đặt tên hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã