Tư vấn luật Lawkey xin gửi tới bạn đọc bài viết Hướng dẫn thủ tục chuyển nhượng dự án bất động sản theo quy định mới nhất.
Trình tự thực hiện thủ tục chuyển nhượng dự án bất động sản
– Bước 1: Chủ đầu tư chuyển nhượng chuẩn bị đầy đủ hồ sơ đề nghị chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án đã được quy định tại thủ tục này.
– Bước 2: Nộp hồ sơ tại Trung tâm hành chính công tỉnh. Công chức tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra tính pháp lý, tính đầy đủ nội dung hồ sơ; sau đó chuyển hồ sơ đến cơ quan được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ủy quyền thực hiện, cụ thể như sau:
+ Đối với dự án khu đô thị mới, dự án phát triển nhà ở là Sở Xây dựng;
+ Đối với các loại dự án bất động sản khác là Sở quản lý chuyên ngành do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quy định.
– Bước 3: Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Cơ quan đầu mối thẩm định có trách nhiệm lấy ý kiến của Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Cục thuế và Sở quản lý chuyên ngành, tổ chức thẩm định hồ sơ chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan được lấy ý kiến phải có văn bản trả lời về những nội dung thuộc phạm vi quản lý nhà nước của mình liên quan đến dự án gửi cơ quan đầu mối thẩm định.
– Bước 4: Trong thời gian 23 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, sau khi hoàn thành việc thẩm định, cơ quan đầu mối thẩm định tổng hợp trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.
– Bước 5: Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được tờ trình kèm theo hồ sơ của cơ quan đầu mối thẩm định, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ký ban hành quyết định cho phép chuyển nhượng. Trường hợp không đủ điều kiện cho phép chuyển nhượng thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc cơ quan chuyên môn được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ủy quyền phải thông báo bằng văn bản cho chủ đầu tư chuyển nhượng biết rõ lý do.
Hồ sơ cần chuẩn bị thủ tục chuyển nhượng dự án bất động sản
– Đơn đề nghị cho phép chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án của chủ đầu tư chuyển nhượng;
– Hồ sơ dự án, phần dự án đề nghị cho chuyển nhượng bao gồm:
+ Văn bản cho phép đầu tư hoặc văn bản chấp thuận đầu tư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (bản sao có chứng thực);
+ Quyết định phê duyệt dự án, quy hoạch chi tiết 1/500 hoặc quy hoạch tổng mặt bằng (bản sao có chứng thực);
+ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của toàn bộ hoặc phần dự án đề nghị chuyển nhượng (bản sao có chứng thực);
– Báo cáo quá trình thực hiện dự án của chủ đầu tư chuyển nhượng đến thời điểm chuyển nhượng.
– Hồ sơ của chủ đầu tư nhận chuyển nhượng bao gồm:
+ Đơn đề nghị được nhận chuyển nhượng dự án hoặc một phần dự án;
+ Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có ngành nghề kinh doanh bất động sản hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có vốn điều lệ đáp ứng yêu cầu quy định tại Điều 3 Nghị định số 76/2015/NĐ-CP ngày 10/9/2015 (bản sao có chứng thực), trừ trường hợp nhà đầu tư nước ngoài chưa thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật về đầu tư.
+ Văn bản chứng minh có vốn thuộc sở hữu của mình để thực hiện dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư, về đất đai. Trường hợp chưa có văn bản chứng minh có vốn thuộc sở hữu của mình theo quy định của pháp luật về đầu tư, về đất đai thì phải có văn bản xác nhận của tổ chức kiểm toán độc lập hoặc báo cáo tài chính đã được kiểm toán về mức vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp tại thời điểm gần nhất (năm nhận chuyển nhượng hoặc năm trước liền kề năm nhận chuyển nhượng) đối với doanh nghiệp đang hoạt động; đối với doanh nghiệp mới thành lập thì nếu số vốn là tiền Việt Nam hoặc ngoại tệ thì phải được ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp đó mở tài khoản xác nhận về số dư tiền gửi của doanh nghiệp, nếu số vốn là tài sản thì phải có chứng thư của tổ chức có chức năng định giá hoặc thẩm định giá đang hoạt động tại Việt Nam về kết quả định giá, thẩm định giá tài sản của doanh nghiệp.