Doanh nghiệp có quyền tạm ngừng kinh doanh nhưng phải thông báo bằng văn bản cho Cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế. Vậy hậu quả pháp lý của tạm ngừng kinh doanh là gì? Hồ sơ thủ tục tạm ngừng kinh doanh cần chuẩn bị những gì? Sau đây, công ty tư vấn luật Lawkey sẽ trình bày về thủ tục tạm ngừng kinh doanh của doanh nghiệp:
1. Hậu quả pháp lý của tạm ngừng kinh doanh
Theo quy định tại Luật doanh nghiệp 2014, doanh nghiệp có quyền tạm ngừng kinh doanh nhưng phải thông báo bằng văn bản về thời điểm và thời hạn tạm ngừng hoặc tiếp tục kinh doanh cho Cơ quan đăng ký kinh doanh chậm nhất 15 ngày trước ngày tạm ngừng hoặc tiếp tục kinh doanh. Quy định này áp dụng trong trường hợp doanh nghiệp tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo.
Cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện khi phát hiện doanh nghiệp không có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.
Trong thời gian tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp phải nộp đủ số thuế còn nợ; tiếp tục thanh toán các khoản nợ, hoàn thành việc thực hiện hợp đồng đã ký với khách hàng và người lao động, trừ trường hợp doanh nghiệp, chủ nợ, khách hàng và người lao động có thỏa thuận khác.
Thời hạn tạm ngừng kinh doanh ghi trong thông báo không được quá một năm. Sau khi hết thời hạn đã thông báo, nếu doanh nghiệp, hộ kinh doanh vẫn tiếp tục tạm ngừng kinh doanh thì phải thông báo tiếp cho cơ quan đăng ký kinh doanh. Tổng thời gian tạm ngừng kinh doanh liên tiếp không được quá hai năm
2. Hồ sơ doanh nghiệp cần chuẩn bị để thực hiện thủ tục tạm ngừng kinh doanh
Để tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp cần làm hồ sơ gửi tới cơ quan đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
Hồ sơ bao gồm:
– Thông báo tạm ngừng kinh doanh (thông báo phải có đủ nội dung: tên, địa chỉ trụ sở chính, mã số doanh nghiệp, ngày cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; ngành, nghề kinh doanh; Thời hạn tạm ngừng kinh doanh, ngày bắt đầu và kết thúc thời hạn tạm ngừng; lý do tạm ngừng; họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp);
– Quyết định và biên bản họp của hội đồng thành viên nếu là công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên; quyết định và biên bản họp của chủ sở hữu công ty nếu là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; quyết định và biên bản họp của đại hội đồng cổ đông nếu là công ty cổ phần; quyết định và biên bản họp của các thành viên hợp danh, nếu là công ty hợp danh.
Bài viết đã trình bày thủ tục tạm ngừng kinh doanh, mọi thắc mắc cần tư vấn và yêu cầu dịch vụ thành lập doanh nghiệp, quý khách hàng vui lòng liên hệ tới LawKey.
>>> Xem thêm: Tổ chức lại doanh nghiệp – Các hình thức và thủ tục