Biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá được pháp luật hiện hành quy định như thế nào? Trong bài viết này, Luật LawKey sẽ chia sẻ, giải đáp giúp bạn.
Đối tượng bị áp dụng
Đối tượng bị áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá bao gồm:
– Cá nhân không được hưởng tiền lương, thu nhập hoặc bảo hiểm xã hội tại một cơ quan, đơn vị, tổ chức và không có tài khoản hoặc số tiền gửi từ tài khoản tại tổ chức tín dụng không đủ để áp dụng biện pháp khấu trừ tiền từ tài khoản.
– Tổ chức không có tài khoản hoặc số tiền gửi từ tài khoản tại tổ chức tín dụng không đủ để áp dụng biện pháp khấu trừ tiền từ tài khoản.
Lưu ý: Chỉ được kê biên tài sản của cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế tương ứng với số tiền đã ghi trong quyết định xử phạt, quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả và chi phí cho việc tổ chức thi hành cưỡng chế.
Những tài sản không được kê biên
Những tài sản sau không được kê biên:
– Nhà ở duy nhất của cá nhân và gia đình người bị cưỡng chế có diện tích tối thiểu theo quy định của pháp luật về cư trú.
– Thuốc chữa bệnh, lương thực, thực phẩm phục vụ nhu cầu thiết yếu cho cá nhân bị cưỡng chế và gia đình họ sử dụng.
– Công cụ lao động, đồ dùng sinh hoạt thông thường cần thiết cho cá nhân bị cưỡng chế và gia đình họ sử dụng.
– Đồ dùng thờ cúng; di vật, huân chương, huy chương, bằng khen.
– Tài sản phục vụ quốc phòng và an ninh.
– Tài sản đang được cầm cố, thế chấp hợp pháp.
Trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản
Trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản như sau:
Bước 1. Xác minh thông tin về tài sản của đối tượng bị cưỡng chế
Người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế có trách nhiệm xác minh thông tin về tài sản của đối tượng bị cưỡng chế, điều kiện thi hành quyết định cưỡng chế kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt.
Cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm cung cấp thông tin về tài sản của đối tượng bị cưỡng chế khi có yêu cầu của cơ quan ra quyết định cưỡng chế.
Bước 2. Ra quyết định cưỡng chế kê biên tài sản
Người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế bằng biện pháp kê biên tài sản. Quyết định bao gồm những nội dung sau:
- Số quyết định;
- Ngày, tháng, năm ra quyết định;
- Căn cứ ra quyết định;
- Họ tên, chức vụ, đơn vị người ra quyết định;
- Họ tên, nơi cư trú, trụ sở của cá nhân, tổ chức bị kê biên tài sản;
- Số tiền bị xử phạt;
- Địa điểm kê biên;
- Chữ ký của người ra quyết định và đóng dấu của cơ quan ra quyết định.
Sau khi ra quyết định cưỡng chế, người có thẩm quyền quyết định cưỡng chế phải tổ chức gửi quyết định cưỡng chế cho tổ chức, cá nhân bị cưỡng chế, tổ chức, cá nhân có liên quan. Đồng thời, việc kê biên tài sản phải được thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú hoặc tổ chức có trụ sở đóng trên địa bàn hoặc cơ quan nơi người đó công tác trước khi tiến hành cưỡng chế kê biên 05 ngày làm việc, trừ trường hợp việc thông báo sẽ gây trở ngại cho việc tiến hành kê biên.
Bước 3. Tổ chức thi hành cưỡng chế kê biên tài sản
– Thời gian thực hiện: việc kê biên tài sản phải thực hiện vào ban ngày, thời gian từ 08 giờ đến 17 giờ.
– Người chủ trì thực hiện: người ra quyết định cưỡng chế hoặc người được phân công thực hiện quyết định cưỡng chế.
– Những người có mặt: cá nhân bị cưỡng chế hoặc người thành niên có đầy đủ năng lực hành vi dân sự trong gia đình, đại diện tổ chức bị kê biên tài sản, đại diện chính quyền địa phương và người chứng kiến. Nếu cá nhân phải thi hành quyết định cưỡng chế hoặc người thành niên trong gia đình cố tình vắng mặt, thì vẫn tiến hành kê biên tài sản nhưng phải có đại diện chính quyền địa phương và người chứng kiến.
– Quyền của cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế: Cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế có quyền đề nghị kê biên tài sản nào trước, người được giao chủ trì kê biên phải chấp nhận nếu xét thấy đề nghị đó không ảnh hưởng đến việc cưỡng chế. Nếu cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế không đề nghị cụ thể việc kê biên tài sản nào trước thì tài sản thuộc sở hữu riêng được kê biên trước.
– Tài sản kê biên: chỉ kê biên những tài sản thuộc sở hữu chung của cá nhân bị cưỡng chế với người khác nếu cá nhân bị cưỡng chế không có tài sản riêng hoặc tài sản riêng không đủ để thi hành quyết định cưỡng chế. Trường hợp tài sản có tranh chấp thì vẫn tiến hành kê biên và giải thích cho những người cùng sở hữu tài sản kê biên về quyền khởi kiện theo thủ tục tố tụng dân sự.
– Trách nhiệm của cơ quan tiến hành kê biên: phải thông báo công khai thời gian, địa điểm tiến hành kê biên để các đồng sở hữu biết. Hết thời hạn 03 tháng, kể từ ngày kê biên mà không có người khởi kiện thì tài sản kê biên được đem bán đấu giá theo quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản.
Trên đây là nội dung bài viết Kê biên tài sản có giá trị tương đương với số tiền phạt để bán đấu giá. Nếu có vướng mắc trong quá trình giải quyết hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn 1900252511.
Xem thêm:
Biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản để bán đấu giá
Biện pháp khấu trừ tiền từ tài khoản theo quy định pháp luật