Pháp luật quy định thế nào về việc đăng ký nơi khám chữa bệnh ban đầu? Có thể thay đổi nơi khám chữa bệnh ban đầu hay không? Trong bài viết này, Luật LawKey sẽ chia sẻ, giải đáp giúp bạn.
Nơi khám chữa bệnh ban đầu là gì?
Nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu là nơi mà người tham gia bảo hiểm y tế có quyền được lựa chọn tại các cơ sở khám chữa bệnh thuộc tuyến xã, huyện hoặc cấp tương đương, trừ những đối tượng được đăng ký nơi khám chữa bệnh ban đầu tại tuyến tỉnh hoặc tuyến trung ương theo quy định của Bộ Y tế.
Như vậy, nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu là nơi người tham gia bảo hiểm y tế sẽ đến khám và là nơi chuẩn đoán bệnh đầu tiên. Trong trường hợp tình trạng bệnh vượt quá khả năng chuyên môn hay không đủ điều kiện vật tư, kỹ thuật chữa trị thì sẽ làm thủ tục chuyển người bệnh lên tuyến cao hơn theo quy định về chuyển tuyến khám chữa bệnh.
Đăng ký nơi khám chữa bệnh ban đầu
Căn cứ theo quy định tại Điều 8 Thông tư 40/2015/TT-BYT:
“Người tham gia bảo hiểm y tế được quyền đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu (sau đây gọi tắt là khám bệnh, chữa bệnh ban đầu) tại một trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quy định tại Điều 3 và Điều 4 Thông tư này không phân biệt địa giới hành chính, phù hợp với nơi làm việc, nơi cư trú và khả năng đáp ứng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.”
Như vậy, theo quy định trên thì đối tượng tham gia bảo hiểm y tế có thể đăng ký nơi khám chữa bệnh ban đầu tại các cơ sở sau:
Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu tuyến xã và tương đương
– Trạm y tế xã, phường, thị trấn;
– Trạm xá, trạm y tế, phòng y tế của cơ quan, đơn vị, tổ chức;
– Phòng khám bác sỹ gia đình tư nhân độc lập;
– Trạm y tế quân – dân y, Phòng khám quân – dân y, Quân y đơn vị cấp tiểu đoàn và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu tuyến huyện và tương đương
– Bệnh viện đa khoa huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh;
– Trung tâm y tế huyện có chức năng khám bệnh, chữa bệnh; Trung tâm y tế huyện có phòng khám đa khoa;
– Phòng khám đa khoa; phòng khám đa khoa khu vực;
– Bệnh viện đa khoa hạng III, hạng IV và chưa xếp hạng thuộc các Bộ, Ngành hoặc trực thuộc đơn vị thuộc các Bộ, Ngành;
– Bệnh viện đa khoa tư nhân tương đương hạng III, tương đương hạng IV hoặc chưa được xếp hạng tương đương;
– Bệnh viện y học cổ truyền tư nhân tương đương hạng III, tương đương hạng IV hoặc chưa được xếp hạng tương đương;
– Phòng Y tế, Bệnh xá trực thuộc Bộ Công an, Bệnh xá Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
– Trung tâm y tế quân – dân y, Bệnh xá quân y, Bệnh xá quân – dân y, Bệnh viện quân y hạng III, hạng IV hoặc chưa được xếp hạng, bệnh viện quân – dân y hạng III, hạng IV hoặc chưa được xếp hạng, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Lưu ý, người tham gia bảo hiểm y tế có thể đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại tuyến tỉnh hoặc tuyến tương đương trong một số trường hợp nhất định theo quy định của pháp luật.
Đăng ký thay đổi nơi khám chữa bệnh ban đầu
Khoản 2 Điều 26 Luật bảo hiểm y tế sửa đổi 2014 quy định: “Người tham gia bảo hiểm y tế được thay đổi cơ sở đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu vào đầu mỗi quý.”
Để thay đổi nơi khám chữa bệnh ban đầu, người tham gia bảo hiểm y tế cần chuẩn bị một bộ hồ sơ bao gồm:
– Tờ khai cung cấp và thay đổi thông tin người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (mẫu TK1-TS, 01 bản/người);
– Thẻ bảo hiểm y tế cũ còn giá trị;
– Giấy tờ có liên quan đến mức hưởng quyền lợi cao hơn (Trường hợp điều chỉnh quyền lợi khám, chữa bệnh).
Nơi nộp hồ sơ: cơ quan bảo hiểm xã hội cấp huyện.
Thời hạn giải quyết: 3 ngày làm việc.
Trên đây là nội dung bài viết Nơi khám chữa bệnh ban đầu và thay đổi nơi khám chữa bệnh ban đầu mà Luật LawKey gửi đến bạn đọc. Nếu có vướng mắc trong quá trình giải quyết hãy liên hệ ngay để được tư vấn miễn phí từ luật sư giỏi nhất của chúng tôi. 0967.59.1128 hoặc 024.665.65.366
Xem thêm:
Điều kiện và thủ tục ký hợp đồng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế
Quy định pháp luật về con dấu doanh nghiệp