Hộ kinh doanh là một loại hình kinh doanh phù hợp với những cá nhân hay gia đình có ý định kinh doanh nhỏ lẻ. Bài viết sau đây của tư vấn luật Lawkey sẽ cung cấp cho các bạn thông tin về hộ kinh doanh cũng như trình tự, thủ tục để đăng ký và thành lập hộ kinh doanh cá thể.
1. Khái quát về hộ kinh doanh
Sau đây, Lawkey sẽ cho các bạn một cái nhìn tổng quát nhất về khái niệm hộ kinh doanh, những ai có quyền thành lập và điều kiện để thành lập hộ kinh doanh cá thể.
1.1. Hộ kinh doanh cá thể là gì?
Hộ kinh doanh do một cá nhân là công dân Việt Nam hoặc một nhóm người hoặc một hộ gia đình làm chủ, chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm, sử dụng không quá mười lao động, không có con dấu và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh.
1.2. Quyền và nghĩa vụ đăng ký của hộ kinh doanh
Theo Nghị định 78/2015/NĐ-CP, hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc một nhóm người gồm các cá nhân là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, hoặc một hộ gia đình làm chủ, chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm, sử dụng dưới mười lao động và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh.
Như vậy, cá nhân nước ngoài không được làm chủ hộ kinh doanh tại Việt Nam.
1.3. Điều kiện đăng ký hộ kinh doanh cá thể
Theo khoản 2 Điều 71 của Nghị định 78/2015/NĐ-CP, Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh chỉ được cấp cho hộ kinh doanh đáp ứng các điều kiện:
– Ngành, nghề kinh doanh không thuộc Danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh theo quy định tại Điều 6 của Luật Đầu tư;
– Tên hộ kinh doanh bao gồm hai thành tố: Hộ kinh doanh và tên riêng. Tên riêng không được sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục.
– Nộp đủ lệ phí đăng ký theo quy định.
2. Trình tự, thủ tục thành lập hộ kinh doanh
Sau đây là thành phần hồ sơ cần chuẩn bị và trình tự thực hiện để thành lập hộ kinh doanh cá thể:
2.1. Hồ sơ thành lập hộ kinh doanh cá thể
– Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh. Nội dung Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh gồm:
- Tên hộ kinh doanh, địa chỉ địa điểm kinh doanh; số điện thoại, số fax, thư điện tử (nếu có).
- Ngành, nghề kinh doanh.
- Số vốn kinh doanh.
- Số lao động.
- Họ, tên, chữ ký, địa chỉ nơi cư trú, số và ngày cấp Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực của các cá nhân thành lập hộ kinh doanh đối với hộ kinh doanh do nhóm cá nhân thành lập, của cá nhân đối với hộ kinh doanh do cá nhân thành lập hoặc đại diện hộ gia đình đối với trường hợp hộ kinh doanh do hộ gia đình thành lập.
- Bản sao hợp lệ Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực của các cá nhân tham gia hộ kinh doanh hoặc người đại diện hộ gia đình.
- Bản sao hợp lệ biên bản họp nhóm cá nhân về việc thành lập hộ kinh doanh đối với trường hợp hộ kinh doanh do một nhóm cá nhân thành lập.
- Đối với những ngành, nghề yêu cầu phải có chứng chỉ hành nghề, thì kèm theo các giấy tờ quy định ở trên cần phải có thêm bản sao hợp lệ chứng chỉ hành nghề của cá nhân nếu hộ kinh doanh do cá nhân hoặc đại diện hộ gia đình nếu hộ kinh doanh do nhóm cá nhân thành lập.
- Đối với những ngành, nghề mà pháp luật yêu cầu cần có vốn pháp định thì hồ sơ đăng kí hộ kinh doanh phải có bản sao hợp lệ văn bản xác nhận vốn pháp định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác nhận vốn pháp định.
2.2 Trình tự thực hiện
Bước 1. Chuẩn bị hồ sơ
Tổ chức, cá nhân có nhu cầu liên hệ trực tiếp tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND cấp quận/huyện để được hướng dẫn và chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo quy định của pháp luật vào giờ hành chính các ngày làm việc trong tuần (trừ ngày lễ, ngày nghỉ theo quy định), cụ thể như sau:
– Buổi sáng: Từ 7 giờ 00 phút đến 11 giờ 00 phút.
– Buổi chiều: Từ 13 giờ 00 phút đến 17 giờ 00 phút.
Bước 2. Nộp hồ sơ
Người đi đăng ký kinh doanh nộp hồ sơ trực tiếp tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND cấp quận/huyện theo thời gian nêu trên. Cán bộ thụ lý xem xét thành phần hồ sơ:
– Nếu không đủ điều kiện thì hướng dẫn cụ thể một lần, đầy đủ để bổ sung, hoàn chỉnh thủ tục.
– Nếu đủ điều kiện thì tiếp nhận và viết giấy hẹn.
Bước 3. Nhận kết quả
Theo thời gian được quy định trong giấy hẹn, tổ chức, cá nhân liên hệ bộ phận tiếp nhận và trả kết quả để đóng các khoản phí, lệ phí và trả kết quả và nhận kết quả.
1.2. Cách thức thực hiện: Trực tiếp tại cơ quan hành chính nhà nước.
1.3. Thành phần, số lượng hồ sơ (như đã nêu trên)
1.4. Thời hạn giải quyết: 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
1.5. Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính: Cá nhân.
1.6. Kết quả thực hiện thủ tục hành chính: Giấy chứng nhận.
1.7. Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai (nếu có):
a) Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh.
b) Danh sách cá nhân góp vốn thành lập.
Trên đây là hướng dẫn tư vấn luật Lawkey. Mong rằng sẽ giáp được băn khoăn của bạn đọc. Nếu bạn đọc có nhu cầu thành lập doanh nghiệp vui lòng liên hệ LawKey.
>>> Xem thêm: Công ty mẹ công ty con theo quy định pháp luật năm 2019