Phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại là hai chế tài thường được các bên sử dụng khi có sự vi phạm hợp đồng. Vậy việc áp dụng chế tài phạt vi phạm và chế tài bồi thường thiệt hại được quy định như thế nào? Cùng tìm hiểu qua bài viết này của Luật LawKey nhé.
Áp dụng chế tài phạt vi phạm hợp đồng
Hợp đồng có thể là hợp đồng thương mại hoặc hợp đồng dân sự do đó việc áp dụng chế tài phạt vi phạm phải căn cứ vào từng loại hợp đồng cụ thể.
Đối với hợp đồng thương mại
Chế tài phạt vi phạm được áp dụng khi được thỏa thuận được cụ thể hóa thành điều khoản trong hợp đồng. Các bên có thể thỏa thuận với nhau về mức phạt vi phạm và thể hiện chi tiết nội dung này trong hợp đồng – đây là căn cứ để yêu cầu bên vi phạm trả khoản tiền phạt cho bên bị vi phạm.
Mức phạt được pháp luật thương mại quy định là không quá 8% giá trị của phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm (Điều 801). Nếu các bên thỏa thuận mức phạt thấp hơn mức này thì sẽ áp dụng mức phạt do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên chỉ quy định trong hợp đồng về việc phạt vi phạm mà không nêu mức phạt cụ thể hoặc mức phạt vượt quá mức này thì khi có tranh chấp xảy ra, mức phạt 8% giá trị của phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm sẽ được áp dụng.
Đối với hợp đồng dân sự
Bộ luật dân sự 2015 quy định các bên thỏa thuận về phạt vi phạm trong hợp đồng, theo đó khi có hành vi vi phạm hợp đồng thì bên bị vi phạm có quyền áp dụng chế tài phạt vi phạm.
Mức phạt vi phạm do các bên thỏa thuận mà không bị giới hạn bởi quy định của pháp luật (khoản 2 Điều 418), trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.
Áp dụng chế tài bồi thường thiệt hại
Việc áp dụng chế tài bồi thường thiệt hại căn cứ vào từng loại hợp đồng. Cụ thể như sau:
Đối với hợp đồng thương mại
Chế tài bồi thường thiệt hại được áp dụng ngay cả khi các bên không có thỏa thuận, tuy nhiên, việc áp dụng chế tài này chỉ được thực hiện khi hội tụ đủ các yếu tố như:
- Có hành vi vi phạm hợp đồng;
- Có thiệt hại thực tế xảy ra;
- Có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm hợp đồng và thiệt hại xảy ra.
Về mức bồi thường: Luật không giới hạn mức tối đa bên vi phạm phải bồi thường mà chỉ quy định mức bồi thường phải bao gồm giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm.
Đối với hợp đồng dân sự
Chế tài bồi thường thiệt hại chỉ được áp dụng khi các bên thỏa thuận về bồi thường thiệt hại trong hợp đồng.
Thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ bao gồm cả thiệt hại về vật chất và tinh thần. Điều 419 Bộ luật dân sự 2015 quy định cụ thể về xác định thiệt hại được bồi thường do vi phạm hợp đồng. Theo đó, thiệt hại được bồi thường sẽ bao gồm:
- Thiệt hại vật chất thực tế xác định được: tổn thất về tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại , thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút;
- Khoản lợi ích mà lẽ ra bên có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại được hưởng do hợp đồng mang lại;
- Chi phí phát sinh do không hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng mà không trùng lặp với mức bồi thường thiệt hại cho lợi ích mà hợp đồng mang lại;
- Thiệt hại về tinh thần.
Tác dụng của chế tài phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại
Tác dụng của hai chế tài này được thể hiện như sau:
Tác dụng của chế tài phạt vi phạm:
Với sự ra đời của chế tài phạt vi phạm được quy định trong Luật Thương mại 2005 và Bộ luật dân sự 2015 thì phạt vi phạm thực sự trở thành một chế định quan trọng để bảo vệ các bên trong quan hệ thương mại cũng như dân sự. Hiện nay, chế định này ngày càng được các bên sử dụng nhiều hơn như một biện pháp hữu hiệu để bảo vệ quyền lợi của mình trong các quan hệ hợp đồng.
Trên thực tế, khi soạn thảo các thỏa thuận trong hợp đồng, các bên đã có ý thức quy định về các trường hợp phạt vi phạm cũng như điều kiện để tiến hành phạt vi phạm một cách chi tiết và cụ thể nhất. Do đó, khi có vi phạm xảy ra, các bên không bị lúng túng trong việc xác định tính đúng sai của sự việc, tránh được các tranh chấp không đáng có dẫn đến những hậu quả không mong muốn trong quan hệ giữa các bên.
Tác dụng của chế tài bồi thường thiệt hại:
Chế tài bồi thường thiệt hại được áp dụng theo nguyên tắc “toàn bộ” và “kịp thời”. Theo đó chế tài này khi được áp dụng sẽ bù đắp được tổn thất cho bên bị vi phạm, làm cho hành vi vi phạm hợp đồng trở nên vô hại về mặt vật chất đối với bên bị vi phạm.
– Việc bồi thường “toàn bộ” làm cho không ai được nhiều hơn số thực tế bị thiệt hại và cũng theo lẽ đó chủ thể vi phạm chỉ phải bồi thường những thiệt hại do chính mình gây ra;
– Việc bồi thường “kịp thời” có vai trò quan trọng, có tác dụng bù đắp lại những mất mát về vật chất cho bên bị vi phạm, để bên bị vi phạm sớm ổn định, không bị xáo trộn về thời gian, công việc và các dự định cho công việc ở hiện tại hoặc tương lai.
Bên cạnh đó, bồi thường thiệt hại còn có tác dụng như là một thông điệp mang tính răn đe tất cả những chủ thể khác khiến họ phải kiềm chế, tự giữ mình không vi phạm pháp luật nói chung và vi phạm hợp đồng nói riêng. Đây cũng là một biện pháp giáo dục các tổ chức và các cá nhân có ý thức tôn trọng và thực hiện nghiêm minh pháp luật và các quy tắc của cuộc sống cộng đồng.
Trên đây là nội dung bài viết Áp dụng chế tài phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại khi vi phạm hợp đồng. Nếu có vướng mắc trong quá trình giải quyết hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn nhanh nhất 1900252511.
Xem thêm:
Phạt vi phạm hợp đồng trong thương mại như thế nào
Mối quan hệ giữa hai chế tài phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại
Pingback: Điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thực hiện hợp đồng thay đổi cơ bản