Mối quan hệ giữa hai chế tài phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại

Mối quan hệ giữa hai chế tài phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại

Phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại là hai chế tài xử lý vi phạm hợp đồng thường được sử dụng. Vậy mối quan hệ giữa hai chế tài này là gì? Trong bài viết này, Luật LawKey sẽ chia sẻ, giải đáp giúp bạn.

Sự cần thiết của chế tài phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại

Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên và pháp luật tôn trọng sự thỏa thuận đó trên nguyên tắc các thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội. Khi một hợp đồng được xác lập và có hiệu lực pháp luật thì quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng sẽ được nhà nước thừa nhận và bảo vệ. Tuy nhiên, trên thực tế xảy ra không ít trường hợp các bên vi phạm những điều khoản cam kết trong hợp đồng, không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ đã cam kết. Theo đó, việc đặt ra các chế tài để xử lý vi phạm hợp đồng sẽ góp phần bảo vệ trật tự, kỉ cương pháp luật, có như thế quan hệ hợp đồng mới có thể tồn tại được.

Pháp luật hiện hành đã quy định các chế tài phạt vi phạm hợp đồng. Hai trong số các chế tài nên được các bên tham gia kí kết hợp đồng lưu ý và cần thiết đưa vào hợp đồng cũng như nghiên cứu kĩ về nó trong luật để tránh xung đột dẫn đến tranh chấp là chế tài phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại.

Sự cần thiết của chế tài phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại trong hợp đồng được thể hiện chủ yếu ở những khía cạnh:

Thứ nhất, về mặt bản chất, chế tài phạt vi phạm hợp đồng có mục đích chủ yếu là trừng phạt, tác động vào ý thức của các chủ thể, còn bồi thường thiệt hại là hình thức áp dụng nhằm khôi phục, bù đắp những lợi ích vật chất bị mất của bên bị vi phạm hợp đồng. Theo đó, việc quy định chế tài phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại trong hợp đồng sẽ tác động trực tiếp đến lợi ích của các bên trong hợp đồng, điều này buộc các chủ thể phải cân nhắc trước khi thực hiện một hành vi vi phạm hợp đồng nào đó. Có thể thấy, với việc đặt ra hai chế tài này trong hợp đồng, tính khả thi của hợp đồng trong thực tiễn sẽ được đảm bảo ở mức độ cao hơn.

Thứ hai, mặc dù hợp đồng là sự thỏa thuận của các bên nhưng một khi hợp đồng đã được xác lập hợp pháp thì sẽ có hiệu lực pháp luật do đó hợp đồng phải được đảm bảo thực hiện trên thực tế. Việc đặt ra các chế tài nói chung và hai chế tài phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại nói riêng là cơ sở để các bên bảo vệ quyền và lợi ích của mình khi bị vi phạm. Đồng thời, các điều khoản trong hợp đồng về hai chế tài này là căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét và bảo vệ quyền, lợi ích của công dân.

Thứ ba, với hai chế tài này, ý thức của các chủ thể khi tham gia hợp đồng sẽ được nâng cao, từ đó có tác dụng giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật.

Mối quan hệ giữa phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại

Hợp đồng có thể là hợp đồng thương mại hoặc hợp đồng dân sự do đó khi bàn về mối quan hệ giữa chế tài phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại từ vi phạm hợp đồng cần lưu ý cả quy định của Luật thương mại và Bộ luật dân sự. Cụ thể:

Điều 307 Luật thương mại 2005 quy định về quan hệ giữa chế tài phạt vi phạm và chế tài bồi thường thiệt hại như sau:

– Trường hợp các bên không có thỏa thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm chỉ có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.

– Trường hợp các bên có thỏa thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm có quyền áp dụng cả chế tài phạt vi phạm và buộc bồi thường thiệt hại.

Trong khi đó, khoản 3 Điều 418 Bộ luật dân sự 2015 quy định:

– Các bên có thể thỏa thuận về việc bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm mà không phải bồi thường thiệt hại hoặc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại.

– Trường hợp các bên có thỏa thuận về phạt vi phạm nhưng không thỏa thuận về việc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm.

Như vậy, căn cứ vào loại hợp đồng cụ thể mà các bên ký kết, mối quan hệ giữa hai chế tài này là không giống nhau.

– Đối với hợp đồng thương mại: trách nhiệm bồi thường thiệt hại vẫn phát sinh ngay cả khi các bên không có thỏa thuận, còn trách nhiệm nộp phạt vi phạm chỉ phát sinh khi các bên có thỏa thuận về phạt vi phạm trong hợp đồng.

Đối với hợp đồng dân sự: trong trường hợp các bên có thỏa thuận về phạt vi phạm nhưng không thỏa thuận về bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm chỉ phải chịu phạt vi phạm.

Trên đây là nội dung bài viết Mối quan hệ giữa hai chế tài phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại. Nếu có vướng mắc trong quá trình giải quyết hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn nhanh nhất 1900252511.

Xem thêm:

Có thể yêu cầu áp dụng cả phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại không?

Phạt vi phạm hợp đồng trong thương mại như thế nào?

One thought on “Mối quan hệ giữa hai chế tài phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại

  1. Pingback: Áp dụng chế tài phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại khi vi phạm hợp đồng

Comments are closed.