Nguyên tắc bảo vệ bà mẹ và trẻ em không chỉ được quy định tại Luật Hôn nhân và gia đình, mà còn được quy định trong các văn bản luật khác.
Khái niệm nguyên tắc
Nguyên tắc là những điều cơ bản được đặt ra dựa trên những quan điểm tư tưởng nhất định đòi hỏi các tổ chức và cá nhân phải tuân theo.
Nguyên tắc của Luật Hôn nhân và gia đình là những nguyên tắc cơ bản, nền tảng tư tưởng giúp các điều luật có sự nhất quán, điểm chủ đạo để tuân theo.
Nguyên tắc của Luật Hôn nhân và gia đình được quy định tại điều 2 Luật Hôn nhân và gia đình 2014:
Điều 2. Những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình
1. Hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng.
2. Hôn nhân giữa công dân Việt Nam thuộc các dân tộc, tôn giáo, giữa người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo, giữa người có tín ngưỡng với người không có tín ngưỡng, giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.
3. Xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; các thành viên gia đình có nghĩa vụ tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; không phân biệt đối xử giữa các con.
4. Nhà nước, xã hội và gia đình có trách nhiệm bảo vệ, hỗ trợ trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật thực hiện các quyền về hôn nhân và gia đình; giúp đỡ các bà mẹ thực hiện tốt chức năng cao quý của người mẹ; thực hiện kế hoạch hóa gia đình.
5. Kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa, đạo đức tốt đẹp của dân tộc Việt Nam về hôn nhân và gia đình
Trong những nguyên tắc trên có nguyên tắc bảo vệ bà mẹ và trẻ em. Nguyên tắc này ngoài được quy định tại Luật Hôn nhân và gia đình 2014 còn được quy định tại các văn bản pháp luật khác.
>> Xem thêm: Nguyên tắc bảo vệ bà mẹ và trẻ em trong Luật Hôn nhân và gia đình 2014
Nguyên tắc bảo vệ bà mẹ vả trẻ em trong các văn bản luật
Phụ nữ chiếm một nửa nhân loại và là lực lượng lao động quan trọng góp phần phát triển kinh tế – xã hội và thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội. Trải qua hàng trăm năm tranh đấu, ngày nay, quyền của phụ nữ đã được thừa nhận và trân trọng trên phạm vi thế giới. Nhiều văn kiện và văn bản pháp luật quốc tế đã xác định và đề cao quyền của phụ nữ, coi đó như là một trách nhiệm của văn minh thế giới. Việc quy định quyền của phụ nữ trong pháp luật là sự ghi nhận về mặt pháp lý đối với vai trò của nữ giới trong xã hội, đây là bước tiến trong sự nghiệp giải phóng con người nói chung và giải phóng phụ nữ nói riêng. Quyền cơ bản của phụ nữ theo quy định của Hiến pháp được cụ thể hóa trong các văn bản pháp luật như: Luật Bình đẳng giới, Bộ luật Dân sự, Luật Bảo hiểm xã hội, Bộ luật Lao động, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, Luật Cư trú, Bộ luật Hình sự, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Quốc tịch…
Ví dụ trong Bộ luật Lao động: Lao động nữ được dành thời gian trong thời gian lao động để cho con bú, làm vệ sinh phụ nữ; không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ vì kết hôn, có thai, nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi;… Đặc biệt, Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2013 quy định tăng thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ từ 4 tháng lên thành 6 tháng.
Còn trong luật Hôn nhân và gia đình, Luật Hôn nhân và gia đình khẳng định nguyên tắc vợ, chồng bình đẳng. Nhà nước, xã hội và gia đình có trách nhiệm giúp đỡ các bà mẹ thực hiện tốt chức năng cao quý của người mẹ; vợ chồng có nghĩa vụ cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình; có nghĩa vụ sống chung với nhau…
Trong điểm mới của Bộ luật Hình sự có hiệu lực từ 1-1-2018 còn quy định sa thải lao động nữ đang mang thai trái luật bị phạt tù đến 3 năm.
Trong hệ thống pháp luật về trẻ em, đã có hẳn một đạo luật chuyên ngành điều chỉnh các quan hệ xã hội cơ bản liên quan đến trẻ em – Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm. Phạm vi điều chỉnh của pháp luật về trẻ em rộng lớn, liên quan đến các quyền, bổn phận của trẻ em, trách nhiệm của nhà nước, gia đình, xã hội trong việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, trách nhiệm pháp lý đối với hành vi vi phạm quyền trẻ em và đối với hành vi vi phạm của trẻ em. Xu hướng nhân đạo hoá đã thể hiện rõ nét trong hệ thống các quy định pháp luật về truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với trẻ em vi phạm pháp luật. Đồng thời, các biện pháp trách nhiệm pháp lý cũng tăng dần tính nghiêm khắc hơn đối với các hành vi vi phạm quyền trẻ em. Đây chính là cơ sở pháp lý thể chế hoá chính sách của Đảng, Nhà nước ta về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em phù hợp với Công ước quốc về quyền trẻ em mà nhà nước ta đã phê chuẩn.
Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em có các quy định nghiêm cấm các hành vi như cha mẹ bỏ rơi con, người giám hộ bỏ rơi trẻ em được mình giám hộ; dụ dỗ, lôi kéo trẻ em đi lang thang, lợi dụng trẻ em lang thang để trục lợi; cản trở việc học tập của trẻ em; áp dụng biện pháp có tính chất xúc phạm, hạ thấp danh dự, nhân phẩm hoặc dùng nhục hình đối với trẻ em vi phạm pháp luật vv…Nguyên tắc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là không phân biệt đối xử, dành lợi ích tốt nhất để trẻ em thực hiện quyền, bổn phận và phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, tinh thần và đạo đức, bảo đảm cho trẻ em được sống trong một môi trường an toàn và lành mạnh. Đồng thời, Luật còn quy định về những việc trẻ em không được làm: tự ý bỏ học, bỏ nhà sống lang thang; xâm phạm tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự, tài sản của người khác; sử dụng văn hoá phẩm có nội dung xấu vv…
Trên đây là bài viết về nguyên tắc bảo vệ bà mẹ và trẻ em trong các văn bản luật Lawkey gửi tới bạn đọc, nếu có bất kỳ thắc mắc gì vui lòng liên hệ tới Lawkey để được giải đáp chi tiết nhất.