Pháp luật hiện hành quy định thế nào về biện pháp khấu trừ tiền từ tài khoản khi cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính là thắc mắc của rất nhiều người. Trong bài viết này, Luật LawKey sẽ chia sẻ, giải đáp giúp bạn.
Đối tượng bị áp dụng biện pháp khấu trừ tiền từ tài khoản
Đối tượng bị áp dụng biện pháp cưỡng chế khấu trừ tiền từ tài khoản là tổ chức, cá nhân không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt, quyết định khắc phục hậu quả, không thanh toán hoặc thanh toán chưa đủ chi phí cưỡng chế mà có tiền gửi tại tổ chức tín dụng ở Việt Nam.
Trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp khấu trừ tiền từ tài khoản
Trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp khấu trừ tiền từ tài khoản như sau:
Bước 1. Xác minh thông tin về tài khoản của cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế
Người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế khấu trừ tiền từ tài khoản có quyền yêu cầu tổ chức tín dụng cung cấp thông tin về tài khoản của cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế theo quy định của pháp luật; trường hợp người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế không có thẩm quyền yêu cầu cung cấp thông tin về tài khoản thì đề nghị người có thẩm quyền yêu cầu tổ chức tín dụng cung cấp thông tin. Người được cung cấp thông tin có trách nhiệm bảo mật những thông tin được cung cấp.
Cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế có trách nhiệm thông báo cho người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế khấu trừ tiền từ tài khoản về tên tổ chức tín dụng, nơi mở tài khoản, số tài khoản của mình tại tổ chức tín dụng khi có yêu cầu.
Bước 2. Ra quyết định cưỡng chế khấu trừ tiền từ tài khoản
Người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế khấu trừ tiền từ tài khoản. Nội dung quyết định bao gồm:
- Số quyết định;
- Ngày, tháng, năm ra quyết định;
- Căn cứ ra quyết định;
- Họ tên, chức vụ, đơn vị công tác của người ra quyết định;
- Số tiền bị khấu trừ, lý do khấu trừ;
- Họ tên, số tài khoản của cá nhân, tổ chức bị khấu trừ;
- Tên, địa chỉ tổ chức tín dụng nơi đối tượng bị áp dụng khấu trừ mở tài khoản;
- Tên, địa chỉ, số tài khoản của Kho bạc Nhà nước, phương thức chuyển số tiền bị khấu trừ từ tổ chức tín dụng đến Kho bạc Nhà nước;
- Chữ ký của người ra quyết định và đóng dấu cơ quan ra quyết định.
Bước 3. Gửi quyết định cưỡng chế cho người bị cưỡng chế, tổ chức, cá nhân có liên quan
Ngay sau khi ra quyết định cưỡng chế, người có thẩm quyền quyết định cưỡng chế phải tổ chức gửi quyết định cưỡng chế cho cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Bước 4. Thi hành quyết định
Khi nhận được quyết định cưỡng chế khấu trừ tiền từ tài khoản, cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế có trách nhiệm yêu cầu tổ chức tín dụng nơi mình mở tài khoản chuyển tiền từ tài khoản của mình sang tài khoản của Kho bạc Nhà nước ghi trong quyết định cưỡng chế khấu trừ tiền từ tài khoản.
Tổ chức tín dụng nơi tổ chức, cá nhân mở tài khoản phải giữ lại trong tài khoản của cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế số tiền tương đương với số tiền mà cá nhân, tổ chức đó phải nộp theo yêu cầu của người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế. Đồng thời, trích chuyển từ tài khoản tiền gửi của cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế vào ngân sách nhà nước qua tài khoản mở tại Kho bạc Nhà nước số tiền mà cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế phải nộp.
– Trường hợp trong tài khoản không còn số dư hoặc còn nhưng không đủ để khấu trừ thì tổ chức tín dụng sau khi khấu trừ số tiền hiện có phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan đã ra quyết định cưỡng chế khấu trừ tiền từ tài khoản tại tổ chức tín dụng biết để áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản.
– Nếu trong tài khoản của cá nhân, tổ chức còn số dư mà tổ chức tín dụng không thực hiện việc trích chuyển tiền của cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế theo quyết định cưỡng chế khấu trừ của người có thẩm quyền thì tổ chức tín dụng bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Trên đây là nội dung bài viết Biện pháp khấu trừ tiền từ tài khoản theo quy định pháp luật. Nếu có vướng mắc trong quá trình giải quyết hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn 1900252511.
Xem thêm:
Thu tiền và tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế do bên thứ ba đang giữ
Áp dụng biện pháp khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập
Pingback: Kê biên tài sản có giá trị tương đương với số tiền phạt để bán đấu giá