Việt Nam đang trở thành một quốc gia nhận được rất nhiều sự quan tâm từ các nhà đầu tư nước ngoài. Để thực hiện đầu tư vào Việt Nam thì các nhà đầu tư cần thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư vào Việt Nam theo các quy định của pháp luật về đầu tư. Tư vấn luật đầu tư Lawkey xin hướng dẫn các nhà đầu tư thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư vào Việt Nam qua bài viết sau:
A. Các hình thức đầu tư vào Việt Nam
Có hai hình thức để một nhà đầu tư nước ngoài thực hiện đầu tư vào Việt Nam bao gồm:
+ Đầu tư trực tiếp là hình thức đầu tư do nhà đầu tư do nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư và tham gia quản lý hoạt động đầu tư.
+ Đầu tư gián tiếp là hình thức đầu tư thông qua việc mua cổ phần, cổ phiếu, trái phiếu, các giấy tờ có giá khác, quỹ đầu tư chứng khoán và thông qua các định chế tài chính trung gian khác mà nhà đầu tư không trực tiếp tham gia quản lý hoạt động đầu tư.
B. Đầu tư trực tiếp vào Việt Nam
Đây là hình thức thường được lựa chọn bởi việc đầu tư trực tiếp giúp các nhà đầu tư có quyền quản lý hoạt động đầu tư lớn hơn là việc đầu tư gián tiếp. Hình thức này được phân ra các loại như sau:
Đầu tư trực tiếp thành lập tổ chức kinh tế
Nhà đầu tư được thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật. Trước khi thành lập tổ chức kinh tế, nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư và thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đồng thơi phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
+ Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ: Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài là không hạn chế. Tỷ lệ sở hữu vốn có thể từ 1% đến 100% trừ một số trường hợp pháp luật có quy định.
+ Hình thức đầu tư, phạm vi hoạt động, đối tác Việt Nam tham gia thực hiện hoạt động đầu tư và điều kiện khác theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Đầu tư trực tiếp theo hình thức hợp đồng PPP
Hợp đồng đầu tư theo hình thức đối tác công tư (hợp đồng PPP) là hợp đồng được ký kết giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài để thực hiện dự án đầu tư.
Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) là hình thức đầu tư được thực hiện trên cơ sở hợp đồng dự án giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài để xây dựng, cải tạo, vận hành, kinh doanh, quản lý công trình hạ tầng, cung cấp dịch vụ công.
Đầu tư trực tiếp theo hình thức hợp đồng BCC
Hợp đồng hợp tác kinh doanh (hợp đồng BCC) là hợp đồng được ký giữa các nhà đầu tư nước ngoài với nhà đầu tư trong nước hoặc giữa các nhà đầu tư nước ngoài với nhau. Nhằm hợp tác kinh doanh phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm mà không thành lập tổ chức kinh tế.
Hợp đồng BCC được ký kết giữa nhà đầu tư trong nước với nhà đầu tư nước ngoài hoặc giữa các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Các bên tham gia hợp đồng BCC thành lập ban điều phối để thực hiện hợp đồng BCC. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ban điều phối do các bên thỏa thuận.
C. Thủ tục đăng ký đầu tư vào Việt Nam
Thủ tục đăng ký đầu tư hay thường được gọi là thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được thực hiện như sau:
Đối với dự án đầu tư thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư
Đầu tiên, nhà đầu tư cần thực hiện thủ tục xin quyết định chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư 2014.
Sau đó, cơ quan đăng ký đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản quyết định chủ trương đầu tư.
Đối với dự án không thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư
Sở kế hoạch và đầu tư sẽ xem xét cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ. Trường hợp từ chối thì phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong trường hợp này bao gồm:
a) Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư;
b) Bản sao chứng minh nhân dân, thẻ căn cước hoặc hộ chiếu đối với nhà đầu tư là cá nhân; bản sao Giấy chứng nhận thành lập hoặc tài liệu tương đương khác xác nhận tư cách pháp lý đối với nhà đầu tư là tổ chức;
c) Đề xuất dự án đầu tư bao gồm các nội dung: nhà đầu tư thực hiện dự án, mục tiêu đầu tư, quy mô đầu tư, vốn đầu tư và phương án huy động vốn, địa điểm, thời hạn, tiến độ đầu tư, nhu cầu về lao động, đề xuất hưởng ưu đãi đầu tư, đánh giá tác động, hiệu quả kinh tế – xã hội của dự án;
d) Bản sao một trong các tài liệu sau: báo cáo tài chính 02 năm gần nhất của nhà đầu tư; cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ; cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính; bảo lãnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư; tài liệu thuyết minh năng lực tài chính của nhà đầu tư;
đ) Đề xuất nhu cầu sử dụng đất; trường hợp dự án không đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thì nộp bản sao thỏa thuận thuê địa điểm hoặc tài liệu khác xác nhận nhà đầu tư có quyền sử dụng địa điểm để thực hiện dự án đầu tư;
e) Giải trình về sử dụng công nghệ đối với dự án quy định tại điểm b khoản 1 Điều 32 của Luật này gồm các nội dung: tên công nghệ, xuất xứ công nghệ, sơ đồ quy trình công nghệ; thông số kỹ thuật chính, tình trạng sử dụng của máy móc, thiết bị và dây chuyền công nghệ chính;
g) Hợp đồng BCC đối với dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC.
Trên đây là tư vấn của Lawkey về việc thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư vào Việt Nam, nếu có nhu cầu thành lập doanh nghiệp vui lòng liên hệ tới chúng tôi.
>>> Xem thêm: Hướng dẫn chuyển nhượng dự án đầu tư