Ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định pháp luật

Ngành nghề kinh doanh có điều kiện

Hiện nay có hơn 200 ngành nghề thuộc danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Vậy pháp luật quy định thế nào về ngành nghề kinh doanh có điều kiện? Trong bài viết này, Luật LawKey sẽ chia sẻ, giải đáp giúp bạn.

Thế nào là ngành nghề kinh doanh có điều kiện?

Ngành nghề kinh doanh có điều kiện là ngành, nghề mà việc thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề đó phải đáp ứng những điều kiện nhất định.

Điều kiện kinh doanh chính là các yêu cầu từ phía cơ quan quyền lực nhà nước buộc các doanh nghiệp phải có hoặc phải thực hiện được thể hiện cụ thể trên giấy phép kinh doanh (mã ngành, nghề), giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, chứng chỉ hành nghề, chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, yêu cầu về vốn pháp định hoặc yêu cầu khác.

Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện được quy định tại Phụ lục 4 của Luật Đầu tư 2014.

Các hình thức chứng minh đủ điều kiện kinh doanh đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện 

Sau khi có Giấy chứng nhận đầu tư (đối với nhà đầu tư nước ngoài) hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì để kinh doanh các ngành nghề có điều kiện, doanh nghiệp phải chứng minh mình có đủ điều kiện để kinh doanh các ngành nghề này thông qua một hoặc một số hình thức sau:

  • Giấy phép kinh doanh;
  • Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh;
  • Chứng chỉ hành nghề;
  • Chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp;
  • Văn bản xác nhận;
  • Các hình thức văn bản khác theo quy định của pháp luật;
  • Các điều kiện mà cá nhân, tổ chức kinh tế phải đáp ứng để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh mà không cần phải có xác nhận, chấp thuận dưới các hình thức văn bản nêu trên.

Điều kiện kinh doanh đối với một số ngành nghề kinh doanh

Quy định về điều kiện kinh doanh cụ thể của từng ngành nghề là khác nhau và được quy định riêng trong luật chuyên ngành. Điều kiện kinh doanh cụ thể đối với một số ngành nghề kinh doanh như sau:

Kinh doanh dịch vụ cầm đồ

Khoản 4 Điều 3 Nghị định 96/2016/NĐ-CP quy định: “Kinh doanh dịch vụ cầm đồ, gồm: Kinh doanh dịch vụ cho vay tiền mà người vay tiền phải có tài sản hợp pháp mang đến cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ để cầm cố.”

Bên cạnh đó, Điều 9 Nghị định này quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với kinh doanh dịch vụ cầm đồ bên cạnh các điều kiện về an ninh, trật tự áp dụng chung cho các ngành, nghề như được đăng ký, cấp phép hoặc thành lập theo quy định của pháp luật; không thuộc các trường hợp bị cấm và đủ điều kiện về an toàn phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy.

“Điều 9. Điều kiện về an ninh, trật tự đối với kinh doanh dịch vụ cầm đồ

Ngoài điều kiện quy định tại Điều 7 Nghị định này, cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ phải đáp ứng điều kiện sau đây:

Người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ phải là người có hộ khẩu thường trú ít nhất 05 năm tại xã, phường, thị trấn nơi đăng ký đặt địa điểm hoạt động kinh doanh và trong thời gian 05 năm liền kề trước thời điểm đăng ký kinh doanh không bị cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính về các hành vi: Chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích, cho vay lãi nặng, đánh bạc, tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc, trộm cắp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, chiếm giữ trái phép tài sản.”

Như vậy, để đăng ký kinh doanh dịch vụ cầm đồ, cơ sở kinh doanh phải đáp ứng điều kiện đối với người chịu trách nhiệm về an ninh trật tự của cơ sở kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Kinh doanh bất động sản 

Theo quy định tại Điều 3 Nghị định 76/2015/NĐ-CP:

“Điều 3. Điều kiện của tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản

1. Tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản phải thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp hoặc hợp tác xã theo quy định của pháp luật về hợp tác xã (sau đây gọi chung là doanh nghiệp) và phải có vốn pháp định không được thấp hơn 20 tỷ đồng, trừ các trường hợp sau:

a) Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua bất động sản quy mô nhỏ, không thường xuyên quy định tại Điều 5 Nghị định này;

b) Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ bất động sản quy định tại Chương IV Luật Kinh doanh bất động sản.

2. Doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thuộc diện có vốn pháp định quy định tại Khoản 1 Điều này phải chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của số vốn pháp định.”

Như vậy, tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản phải đáp ứng điều kiện về vốn pháp định (20 tỷ đồng).

Hành nghề luật sư

Theo quy định tại Điều 11 Luật Luật sư sửa đổi 2012 về điều kiện hành nghề luật sư như sau:

“Điều 11. Điều kiện hành nghề luật sư

Người có đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 10 của Luật này muốn được hành nghề luật sư phải có Chứng chỉ hành nghề luật sư và gia nhập một Đoàn luật sư.”

Như vậy, muốn hành nghề luật sư phải đáp ứng điều kiện về Chứng chỉ hành nghề và gia nhập một đoàn luật sư.

Trên đây là nội dung bài viết Ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định pháp luật. Hãy liên hệ ngay để được tư vấn miễn phí từ luật sư giỏi nhất của chúng tôi. 0967.59.1128 hoặc 024.665.65.366

Xem thêm:

Điều kiện kinh doanh công cụ hỗ trợ

Tra cứu điều kiện kinh doanh của ngành nghề kinh doanh có điều kiện