Ai thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình? Mức đóng và mức hưởng đối với đối tượng này được quy định như thế nào? Trong bài viết này, Luật LawKey sẽ chia sẻ, giải đáp giúp bạn.
Đối tượng tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình
Căn cứ theo quy định tại khoản 5 Điều 12 Luật bảo hiểm y tế sửa đổi 2014 thì:
“Điều 12. Đối tượng tham gia bảo hiểm y tế
5. Nhóm tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình gồm những người thuộc hộ gia đình, trừ đối tượng quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này.”
Trong đó, các khoản 1, 2, 3 và 4 quy định các đối tượng tham gia bảo hiểm y tế bao gồm: nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng, nhóm do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng, nhóm do ngân sách nhà nước đóng và nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng.
Như vậy, các đối tượng không thuộc một trong bốn nhóm trên đều thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình.
Thủ tục tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình
Theo quy định tại Điều 17 Luật bảo hiểm y tế sửa đổi 2014 thì để tham gia bảo hiểm y tế cần chuẩn bị một bộ hồ sơ gồm:
– Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS).
– Danh sách đăng ký tham gia BHYT theo hộ gia đình (mẫu D01-HGĐ).
– Danh sách người tham gia BHYT (mẫu D03-TS (TN)): Do Ủy ban nhân dân cấp xã lập.
– Bản chính sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú (để đối chiếu);
– Bản photo hoặc bản chụp thẻ BHYT của những người đã có thẻ để nộp kèm theo Danh sách đăng ký tham gia BHYT.
Nơi nộp hồ sơ: Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú
Mức đóng bảo hiểm y tế theo hộ gia đình
Theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 7 Nghị định 146/2018/NĐ-CP thì mức đóng bảo hiểm y tế theo hộ gia đình được tính giảm dần từ thành viên thứ hai trở đi, cụ thể như sau:
– Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở;
– Người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất;
– Từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.
(Mức lương cơ sở tính đến hết tháng 6/2020 là 1,49 triệu đồng/ tháng, từ ngày 1/7/2020 mức lương cơ sở được điều chỉnh theo hướng tăng từ 1,49 triệu đồng/ tháng lên 1,6 triệu đồng/ tháng).
Như vậy, đối tượng tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình đóng với mức bằng 4,5% mức lương cơ sở, các thành viên còn lại được đóng với mức giảm dần so với người thứ nhất.
Mức hưởng bảo hiểm y tế theo hộ gia đình
Căn cứ khoản 1 Điều 22 Luật bảo hiểm y tế sửa đổi 2014 quy định:
“Điều 22. Mức hưởng bảo hiểm y tế
1. Người tham gia bảo hiểm y tế khi đi khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại các điều 26, 27 và 28 của Luật này thì được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi được hưởng với mức hưởng như sau:
đ) 80% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với các đối tượng khác.”
Bên cạnh đó, khoản 3 Điều 22 Luật này cũng quy định về mức hưởng bảo hiểm y tế trái tuyến:
“3. Trường hợp người có thẻ bảo hiểm y tế tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán theo mức hưởng quy định tại khoản 1 Điều này theo tỷ lệ như sau, trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều này:
a) Tại bệnh viện tuyến trung ương là 40% chi phí điều trị nội trú;
b) Tại bệnh viện tuyến tỉnh là 60% chi phí điều trị nội trú từ ngày Luật này có hiệu lực đến ngày 31 tháng 12 năm 2020; 100% chi phí điều trị nội trú từ ngày 01 tháng 01 năm 2021 trong phạm vi cả nước;
c) Tại bệnh viện tuyến huyện là 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh từ ngày 01 tháng 01 năm 2016.”
Như vậy, khi tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình, đối tượng này sẽ được bảo hiểm y tế chi trả 80% chi phí khám bệnh, chữa bệnh khi đi khám bệnh, chữa bệnh đúng tuyến. Trong trường hợp khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến thì sẽ được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán theo mức như sau:
– 40% chi phí điều trị nội trú khi khám bệnh, chữa bệnh tại bệnh viện tuyến trung ương.
– 80% chi phí điều trị nội trú (từ ngày 1/1/2021 là 100%) khi khám bệnh, chữa bệnh tại bệnh viện tuyến tỉnh.
– 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh tại bệnh viện tuyến huyện.
Trên đây là nội dung bài viết Quy định pháp luật hiện hành về bảo hiểm y tế theo hộ gia đình. Hãy liên hệ ngay để được tư vấn miễn phí từ luật sư giỏi nhất của chúng tôi. 0967.59.1128 hoặc 024.665.65.366
Xem thêm:
Trong trường hợp nào thì không được hưởng bảo hiểm y tế?
Có phải báo trước khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thời vụ?