Quy định pháp luật về huy động vốn trong các loại hình doanh nghiệp

huy động vốn trong các loại hình doanh nghiệp

Một trong những vấn đề mà các nhà đầu tư quan tâm khi lựa chọn loại hình doanh nghiệp chính là quy định của pháp luật về khả năng huy động vốn của các loại hình doanh nghiệp. Vậy pháp luật quy định thế nào về vấn đề này? Trong bài viết này, Luật LawKey sẽ chia sẻ, giải đáp giúp bạn.

Huy động vốn trong công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên

Theo quy định tại khoản 3 Điều 47 Luật Doanh nghiệp 2014 thì “Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên không được quyền phát hành cổ phần.”

Như vậy, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có thể huy động vốn bằng một trong hai phương thức sau:

Huy động vốn bằng cách tăng vốn điều lệ

Khoản 1 Điều 68 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định:

“1. Công ty có thể tăng vốn điều lệ trong các trường hợp sau đây:

a) Tăng vốn góp của thành viên;

b) Tiếp nhận vốn góp của thành viên mới.”

Theo đó, với phương thức tăng vốn góp của thành viên thì vốn góp thêm được phân chia cho các thành viên theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của họ trong vốn điều lệ công ty. Phương thức này sẽ làm vốn điều lệ của công ty mà không tăng số thành viên công ty. Ngược lại, với phương thức tiếp nhận vốn góp của thành viên mới thì sẽ làm tăng đồng thời cả vốn điều lệ của công ty và thành viên công ty.

Huy động vốn bằng cách phát hành trái phiếu

Trái phiếu được hiểu là một chứng nhận nghĩa vụ nợ của người phát hành phải trả cho người sở hữu trái phiếu đối với một khoản tiền cụ thể (mệnh giá của trái phiếu), trong một thời gian xác định và với một lợi tức quy định.

Trái phiếu doanh nghiệp là loại chứng khoán có kì hạn 01 năm trở lên do doanh nghiệp phát hành, xác nhận nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi và các nghĩa vụ khác (nếu có) của doanh nghiệp đối với nhà đầu tư sở hữu trái phiếu.

Ngoài ra, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên cũng có thể lựa chọn các phương thức khác như huy động vốn vay từ các chủ nợ là các cá nhân, tổ chức, tổ chức tín dụng, ngân hàng; Quỹ đầu tư cá nhân, tổ chức; cho thuê tài chính,…

Huy động vốn trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên

 Công ty TNHH một thành viên có thể huy động vốn bằng cách tăng vốn điều lệ theo một trong hai phương thức sau đây:

– Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên tăng vốn điều lệ bằng việc chủ sở hữu công ty đầu tư thêm;

– Huy động thêm vốn góp của người khác. 

Lưu ý: trường hợp công ty tăng vốn điều lệ bằng việc huy động thêm phần vốn góp của người khác thì chủ sở hữu công ty phải chuyển đổi loại hình doanh nghiệp. Việc chuyển đổi loại hình doanh nghiệp từ công ty TNHH một thành viên sang công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, hoặc từ công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên sang công ty cổ phần được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Huy động vốn trong công ty cổ phần

Thứ nhất, chào bán cổ phần để tăng vốn điều lệ

Khoản 3 Điều 110 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định pháp luật cho phép công ty cổ phần có quyền phát hành cổ phần các loại để huy động vốn

Chào bán cổ phần được thực hiện theo một trong các hình thức sau:

Thứ nhất, chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu:

Chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu là trường hợp công ty tăng thêm số lượng cổ phần được quyền chào bán và bán toàn bộ số cổ phần đó cho tất cả cổ đông theo tỷ lệ cổ phần hiện có của họ tại công ty. Cách huy động vốn này không làm tăng số lượng cổ đông của công ty song vẫn làm tăng vốn điều lệ.

Thứ hai, chào bán cổ phần ra công chúng:

Chào bán cổ phần ra công chúng, chào bán cổ phần của công ty cổ phần niêm yết và đại chúng thực hiện theo các quy định của pháp luật về chứng khoán. Đây là hình thức huy động vốn từ bên ngoài một cách rộng rãi, hình thức huy động vốn này vừa làm tăng vốn điều lệ của công ty vừa làm tăng số lượng cổ đông của công ty.

Thứ ba, chào bán cổ phần riêng lẻ:

Hình thức huy động vốn này được áp dụng với các công ty cổ phần không phải là công ty đại chúng. Việc chào bán cổ phần riêng lẻ được thực hiện như sau:

– Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định chào bán cổ phần riêng lẻ, công ty phải thông báo việc chào bán cổ phần riêng lẻ với Cơ quan đăng ký kinh doanh. Kèm theo thông báo chào bán cổ phần riêng lẻ phải có các tài liệu sau đây:

Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông về chào bán cổ phần riêng lẻ;

+ Phương án chào bán cổ phần riêng lẻ đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua (nếu có);

Thứ hai, huy động vốn bằng hình thức phát hành trái phiếu

Theo khoản 1 Điều 127 Luật doanh nghiệp 2014, Công ty cổ phần có quyền phát hành trái phiếu, trái phiếu chuyển đổi và các loại trái phiếu khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty.

Theo khoản 3 Điều 6 Luật chứng khoán năm 2006 sửa đổi, bổ sung năm 2010, Trái phiếu được hiểu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần vốn nợ của tổ chức phát hành.

Trường hợp công ty cổ phần phát hành trái phiếu chuyển đổi thành cổ phần thì thực hiện theo trình tự, thủ tục tương ứng chào bán cổ phần.

Huy động vốn trong công ty hợp danh

Khoản 3 Điều 172 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định công ty hợp danh không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào.

Theo đó, công ty có thể huy động vốn bằng cách tăng vốn điều lệ theo một trong hai phương thức:

– Các thành viên trong công ty góp thêm vốn. 

– Tiếp nhận thêm thành viên mới, thành viên mới này có thể là thành viên hợp danh hoặc thành viên góp vốn. 

Huy động vốn trong doanh nghiệp tư nhân

Cũng giống như công ty hợp danh, pháp luật quy định về huy động vốn của doanh nghiệp tư nhân như sau: “Doanh nghiệp tư nhân không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào.”

Khoản 3 Điều 184 Luật doanh nghiệp 2014 quy định: “Trong quá trình hoạt động, chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền tăng hoặc giảm vốn đầu tư của mình vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Việc tăng hoặc giảm vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp phải được ghi chép đầy đủ vào sổ kế toán. Trường hợp giảm vốn đầu tư xuống thấp hơn vốn đầu tư đã đăng ký thì chủ doanh nghiệp tư nhân chỉ được giảm vốn sau khi đã đăng ký với Cơ quan đăng ký kinh doanh.”

Như vậy, về huy động vốn của doanh nghiệp tư nhân, pháp luật quy định doanh nghiệp tư nhân có quyền huy động vốn bằng cách tăng vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp tư nhân. Ngoài ra, doanh nghiệp tư nhân cũng có thể lựa chọn các phương thức khác như huy động vốn vay từ các cá nhân, tổ chức, tổ chức tín dụng, ngân hàng; Quỹ đầu tư cá nhân, tổ chức; cho thuê tài chính,…

Trên đây là nội dung bài viết Quy định pháp luật về huy động vốn trong các loại hình doanh nghiệp. Hãy liên hệ ngay để được tư vấn miễn phí từ luật sư giỏi nhất của chúng tôi. 0967.59.1128 hoặc 024.665.65.366

Xem thêm:

Chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu trong CTCP không đại chúng

Quy định pháp luật về Doanh nghiệp tư nhân hiện nay