Quy đinh pháp luật về thủ tục nhận con nuôi đối với trẻ em bị bỏ rơi

Quy đinh pháp luật về thủ tục nhận con nuôi đối với trẻ em bị bỏ rơi

Có rất nhiều những bạn trẻ mang thai ngoài ý muốn và sau sinh đã bỏ rơi con của mình. Vậy các nhà hiếm muộn nhận con nuôi đối với trẻ em bị bỏ rơi bằng cách nào?

Nhận nuôi con nuôi là trẻ bị bỏ rơi

Nuôi con nuôi là việc xác lập quan hệ cha, mẹ và con lâu dài, bền vững, vì lợi ích tốt nhất của người được nhận làm con nuôi, bảo đảm cho con nuôi được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trong môi trường gia đình.

Thông thường, trẻ em được nhận nuôi thường là trẻ bị bỏ rơi, trẻ em mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khác:

– Trẻ em bị bỏ rơi là trẻ em không xác định được cha mẹ đẻ;

– Trẻ em mồ côi là trẻ em mà cả cha mẹ đẻ đã chết hoặc một trong hai người đã chết và người kia không xác định được.

Đặc biệt, Điều 7 Luật Nuôi con nuôi khẳng định, Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân hỗ trợ nhân đạo cho việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Điều kiện nhận nuôi

Về cơ bản, thủ tục nhận trẻ em bị bỏ rơi cũng phải đáp ứng các điều kiện về người nhận nuôi và trẻ em được nhận nuôi như trường hợp nhận con nuôi bình thường khác:

Điều kiện của người nhận nuôi: 

Điều 14 Luật Nuôi con nuôi quy định:

Điều 14. Điều kiện đối với người nhận con nuôi

1. Người nhận con nuôi phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

b) Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên;

c) Có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi;

d) Có tư cách đạo đức tốt.

2. Những người sau đây không được nhận con nuôi:

a) Đang bị hạn chế một số quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên;

b) Đang chấp hành quyết định xử lý hành chính tại cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh;

c) Đang chấp hành hình phạt tù;

d) Chưa được xóa án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của người khác; ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình; dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người chưa thanh niên vi phạm pháp luật; mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em.

3. Trường hợp cha dượng nhận con riêng của vợ, mẹ kế nhận con riêng của chồng làm con nuôi hoặc cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận cháu làm con nuôi thì không áp dụng quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 điều này.

Điều kiện của trẻ em được nhận nuôi: 

Điều 8 Luật Nuôi con nuôi quy định:

Điều 8. Người được nhận làm con nuôi

1. Trẻ em dưới 16 tuổi

2. Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Được cha dượng, mẹ kế nhận làm con nuôi;

b) Được cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận làm con nuôi.

3. Một người chỉ được làm con nuôi của một người độc thân hoặc của cả hai người là vợ chồng.

4. Nhà nước khuyến khích việc nhận trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khác làm con nuôi

Thủ tục nhận con nuôi là trẻ bị bỏ rơi 

Các bước thực hiện việc nhận con nuôi

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

Với người nhận con nuôi thì phải chuẩn bị: Đơn xin nhận con nuôi, hộ chiếu, chứng minh nhân dân, phiếu lý lịch tư pháp…

Với người con nuôi: Ngoài những giấy tờ như giấy khai sinh, giấy khám sức khỏe, ảnh toàn thân… thì trẻ bị bỏ rơi cần phải có Biên bản xác nhận do UBND hoặc Công an cấp xã nơi phát hiện trẻ lập.

Bước 2: Nộp hồ sơ

Sau khi chuẩn bị đủ giấy tờ thì nộp hồ sơ tại UBND cấp xã nơi lập biên bản xác nhận tình trạng trẻ em bị bỏ rơi.

Bước 3: Xác minh lý lịch, xem xét

Sau khi nhận được hồ sơ, UBND có thẩm quyền sẽ kiểm tra hồ sơ. Khi xét thấy có đủ điều kiện thì UBND cấp xã tổ chức đăng ký nuôi con nuôi, trao Giấy chứng nhận và tổ chức giao nhận con nuôi.

Đặc biệt, trong quá trình xem xét hồ sơ, nếu trẻ em bị bỏ rơi được cho làm con nuôi ở nước ngoài thì phải có văn bản xác minh và kết luận rõ ràng của Công an cấp tỉnh về nguồn gốc trẻ em bị bỏ rơi, không xác định được cha mẹ đẻ (khoản 1 Điều 16 Nghị định 19/2011/NĐ-CP).

Nếu sau khi xác minh được thông tin về cha, mẹ đẻ thì phải liên hệ với cha mẹ đẻ để lấy ý kiến của họ trước khi xác nhận trẻ có đủ điều kiện làm con nuôi.

Khi từ chối đăng ký thì phải trả lời bằng văn bản cho người nhận con nuôi và nêu rõ lý do.

Sau khi thực hiện xong việc đăng ký nuôi con nuôi và kể từ ngày giao nhận con nuôi, giữa cha mẹ nuôi và con nuôi có đầy đủ quyền, nghĩa vụ của cha mẹ với con, giữa con nuôi với các thành viên khác của gia đình cha mẹ nuôi…

Trên đây là bài viết về cách nhận con nuôi đối với trẻ em bị bỏ rơi Lawkey gửi tới bạn đọc, nếu có bất kỳ thắc mắc gì vui lòng liên hệ tới Lawkey để được giải đáp chi tiết nhất.