Thay đổi điều kiện nhận trợ cấp lần đầu khi nhận công tác ở vùng đặc biệt khó khăn

Nghị định 76/2019/NĐ-CP chính sách đối với cán bộ công tác ở vùng kinh tế đặc biệt khó khăn có hiệu lực thi hành từ ngày 01/12/2019 đã có những Thay đổi điều kiện nhận trợ cấp lần đầu khi nhận công tác ở vùng đặc biệt khó khăn.

Tư vấn luật Lawkey xin trình bày cụ thể như sau:

Điều kiện nhận trợ cấp theo Nghị định số 116/2010/NĐ-CP:

Nghị định số 116/2010/NĐ-CP quy định về điều kiện nhận trợ cấp lần đầu khi nhận công tác ở vùng đặc biệt khó khăn tại Điều 6 như sau:

“Điều 6. Trợ cấp lần đầu và trợ cấp chuyển vùng

Đối tượng quy định tại Điều 2 Nghị định này đến công tác ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn từ 3 năm trở lên đối với nữ và từ 5 năm trở lên đối với nam được hưởng trợ cấp như sau:

  1. Trợ cấp lần đầu bằng 10 tháng lương tối thiểu chung;
  2. Trường hợp có gia đình chuyển đi theo thì ngoài trợ cấp lần đầu, còn được trợ cấp tiền tàu xe, cước hành lý cho các thành viên trong gia đình cùng đi và hưởng trợ cấp chuyển vùng bằng 12 tháng lương tối thiểu chung cho hộ gia đình;
  3. Chỉ thực hiện một lần mức trợ cấp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này trong cả thời gian công tác ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.”

Điều kiện nhận trợ cấp theo Nghị định số 76/2019/NĐ-CP:

Trong khi đó Điều 6 Nghị định 76/2019/NĐ-CP chính sách đối với cán bộ công tác ở vùng kinh tế đặc biệt khó khăn quy định như sau:

Điều 6. Trợ cấp lần đầu khi nhận công tác ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn

Đối tượng quy định tại Điều 2 Nghị định này khi nhận công tác lần đầu ở cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng trợ cấp như sau:

1. Trợ cấp lần đầu bằng 10 tháng lương cơ sở tại thời điểm nhận công tác ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.

2. Trường hợp có gia đình cùng đến công tác ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn thì ngoài trợ cấp lần đầu, còn được trợ cấp:

a) Tiền tàu xe, cước hành lý cho các thành viên trong gia đình cùng đi tính theo giá vé, giá cước thực tế của phương tiện giao thông công cộng hoặc thanh toán theo mức khoán trên cơ sở số kilômét đi thực tế nhân với đơn giá phương tiện vận tải công cộng thông thường (tàu, thuyền, xe ô tô khách);

b) Trợ cấp 12 tháng lương cơ sở cho hộ gia đình.

3. Các khoản trợ cấp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này do cơ quan, tổ chức, đơn vị ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn nơi tiếp nhận, bố trí công tác chi trả ngay khi đối tượng được hưởng nhận công tác và chỉ thực hiện một lần trong tổng thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn”

Như vậy, khác với Nghị định 116/2010/NĐ-CP thì theo Nghị định 76/2019/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 01/12/2019) không yêu cầu điều kiện có tối thiểu 03 năm công tác với nữ và 05 năm công tác với nam tại vùng đặc biệt khó khăn mới được hưởng.

Đồng thời, cơ quan, tổ chức, đơn vị ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn nơi tiếp nhận, bố trí công tác chi trả ngay khi đối tượng được hưởng nhận công tác

Trên đây là tư vấn của Lawkey về nội dung Thay đổi điều kiện nhận trợ cấp lần đầu khi nhận công tác ở vùng đặc biệt khó khăn

>>> Xem thêm: Thay đổi hàng loạt phụ cấp đối với cán bộ công chức viên chức