Tổ chức lại doanh nghiệp bao gồm những hình thức nào?

Tổ chức lại doanh nghiệp

Tổ chức lại doanh nghiệp là hoạt động phổ biến trên thị trường hiện nay. Vậy có các hình thức nào để tổ chức lại doanh nghiệp? Trong bài viết này, Luật LawKey sẽ chia sẻ, giải đáp giúp bạn.

Tổ chức lại doanh nghiệp là gì?

Theo quy định tại khoản 25 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2014 thì “Tổ chức lại doanh nghiệp là việc chia, tách, hợp nhất, sáp nhập hoặc chuyển đổi loại hình doanh nghiệp”.

Mục đích của tổ chức lại doanh nghiệp:

– Nhằm tạo ra hoặc tìm kiếm những điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, nâng cao khả năng cạnh tranh, phát huy tối đa hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

– Giải quyết tình trạng thay đổi quy mô, cơ cấu của doanh nghiệp mà sự thay đổi này không phù hợp với đặc điểm của loại hình doanh nghiệp đã đăng ký.

Các hình thức tổ chức lại doanh nghiệp

Tùy từng trường hợp cụ thể mà doanh nghiệp có thể sử dụng một trong các hình thức tổ chức lại như sau:

Chia doanh nghiệp

Đối tượng: công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần.

Phương thức: 

– Một phần phần vốn góp, cổ phần của các thành viên, cổ đông cùng với tài sản tương ứng với giá trị phần vốn góp, cổ phần được chia sang cho các công ty mới theo tỷ lệ sở hữu trong công ty bị chia và tương ứng giá trị tài sản được chuyển cho công ty mới;

– Toàn bộ phần vốn góp, cổ phần của một hoặc một số thành viên, cổ đông cùng với tài sản tương ứng với giá trị cổ phần, phần vốn góp họ được chuyển sang cho các công ty mới;

– Kết hợp cả hai trường hợp trên.

Hậu quả pháp lý: công ty bị chia chấm dứt tồn tại sau khi các công ty mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Các công ty mới phải cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và nghĩa vụ tài sản khác của công ty bị chia hoặc thỏa thuận với chủ nợ, khách hàng và người lao động để một trong số các công ty đó thực hiện các nghĩa vụ này.

Tách doanh nghiệp

Đối tượng: công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần.

Phương thức: 

– Một phần phần vốn góp, cổ phần của các thành viên, cổ đông cùng với tài sản tương ứng với giá trị phần vốn góp, cổ phần được chuyển sang cho các công ty mới theo tỷ lệ sở hữu trong công ty bị tách và tương ứng giá trị tài sản được chuyển cho công ty mới;

– Toàn bộ phần vốn góp, cổ phần của một hoặc một số thành viên, cổ đông cùng với tài sản tương ứng với giá trị cổ phần, phần vốn góp của họ được chuyển sang cho các công ty mới;

– Kết hợp cả hai trường hợp trên.

Hậu quả pháp lý: công ty bị tách không chấm dứt tồn tại. Sau khi đăng ký doanh nghiệp, công ty bị tách và công ty được tách phải cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và nghĩa vụ tài sản khác của công ty bị tách, trừ trường hợp công ty bị tách, công ty mới thành lập, chủ nợ, khách hàng và người lao động của công ty bị tách có thỏa thuận khác.

Hợp nhất doanh nghiệp

Đối tượng: công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, doanh nghiệp tư nhân.

Trường hợp hợp nhất mà theo đó công ty hợp nhất có thị phần từ 30% đến 50% trên thị trường liên quan thì đại diện hợp pháp của công ty bị hợp nhất phải thông báo cho cơ quan quản lý cạnh tranh trước khi tiến hành hợp nhất, trừ trường hợp Luật cạnh tranh có quy định khác.

Cấm các trường hợp hợp nhất mà theo đó công ty hợp nhất có thị phần trên 50% trên thị trường có liên quan, trừ trường hợp Luật cạnh tranh có quy định khác.

Phương thức: hai hoặc một số công ty có thể hợp nhất thành một công ty mới gọi là công ty hợp nhất,

Hậu quả pháp lý: các công ty bị hợp nhất chấm dứt tồn tại; công ty hợp nhất được hưởng các quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và các nghĩa vụ tài sản khác của các công ty bị hợp nhất.

Sáp nhập doanh nghiệp

Đối tượng: công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, doanh nghiệp tư nhân.

Trường hợp sáp nhập mà theo đó công ty nhận sáp nhập có thị phần từ 30% đến 50% trên thị trường liên quan thì đại diện hợp pháp của công ty thông báo cho cơ quan quản lý cạnh tranh trước khi tiến hành sáp nhập, trừ trường hợp Luật cạnh tranh có quy định khác.

Cấm các trường hợp sáp nhập các công ty mà theo đó công ty nhận sáp nhập có thị phần trên 50% trên thị trường có liên quan, trừ trường hợp Luật cạnh tranh có quy định khác.

Phương thức: một hoặc một số công ty sáp nhập vào một công ty khác bằng cách chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang công ty nhận sáp nhập.

Hậu quả pháp lý: chấm dứt sự tồn tại của công ty bị sáp nhập.

Chuyển đổi công ty trách nhiệm hữu hạn thành công ty cổ phần

Phương thức: 

– Chuyển đổi thành công ty cổ phần mà không huy động thêm tổ chức, cá nhân khác cùng góp vốn, không bán phần vốn góp cho tổ chức, cá nhân khác;

– Chuyển đổi thành công ty cổ phần bằng cách huy động thêm tổ chức, cá nhân khác góp vốn;

– Chuyển đổi thành công ty cổ phần bằng cách bán toàn bộ hoặc một phần phần vốn góp cho một hoặc một số tổ chức, cá nhân khác;

– Kết hợp các phương thức trên.

Hậu quả pháp lý: công ty chuyển đổi kế thừa toàn bộ các quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ, gồm cả nợ thuế, hợp đồng lao động và các nghĩa vụ khác của công ty được chuyển đổi.

Chuyển đổi công ty cổ phần thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên

Phương thức:

– Một cổ đông nhận chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp tương ứng của tất cả các cổ đông còn lại;

– Một tổ chức hoặc cá nhân không phải là cổ đông nhận chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần của tất cả cổ đông của công ty;

– Công ty chỉ còn lại một cổ đông trong thời gian vượt quá thời hạn yêu cầu số lượng tối thiểu công ty cổ phần (tối thiểu là 3 cổ đông).

Hậu quả pháp lý: công ty chuyển đổi đương nhiên kế thừa toàn bộ các quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ, gồm cả nợ thuế, hợp đồng lao động và các nghĩa vụ khác của công ty được chuyển đổi.

Chuyển đổi công ty cổ phần thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên

Phương thức:

– Chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn mà không huy động thêm hoặc chuyển nhượng cổ phần cho tổ chức, cá nhân khác;

– Chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn đồng thời với huy động thêm tổ chức, cá nhân khác góp vốn;

– Chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn đồng thời với chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần của toàn bộ hoặc một phần cổ phần cho tổ chức, cá nhân khác góp vốn;

– Chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn kết hợp các phương thức trên.

Hậu quả pháp lý: công ty chuyển đổi kế thừa toàn bộ các quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ, gồm cả nợ thuế, hợp đồng lao động và các nghĩa vụ khác của công ty được chuyển đổi.

Chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân thành công ty trách nhiệm hữu hạn

Phương thức: theo quyết định của chủ doanh nghiệp tư nhân.

Hậu quả pháp lý: công ty chuyển đổi kế thừa toàn bộ các quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ, gồm cả nợ thuế, hợp đồng lao động và các nghĩa vụ khác của công ty được chuyển đổi.

Trên đây là nội dung bài viết Các hình thức tổ chức lại doanh nghiệp, LawKey gửi đến bạn đọc, nếu có thắc mắc liên hệ LawKey để được giải đáp và cung cấp dịch vụ thành lập doanh nghiệp và kế toán thuế.

Xem thêm:

Dịch vụ thành lập công ty Uy tín Trọn Gói Giá rẻ

Cơ cấu tổ chức quản lý Công ty cổ phần theo quy định mới nhất