Hôm qua 18-2, sau nhiều ngày nghị án, TAND quận 1, TP.HCM đã tuyên án vụ tranh chấp tác quyền bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt kéo dài nhiều năm giữa nguyên đơn là ông Lê Phong Linh (họa sĩ Lê Linh) với bị đơn là Công ty TNHH TMDV Kỹ thuật và Phát triển tin học Phan Thị (Công ty Phan Thị) và bà Phan Thị Mỹ Hạnh (giám đốc công ty này).
Buộc bị đơn xin lỗi nguyên đơn công khai trên báo
Theo đơn khởi kiện: Ông Linh khởi kiện cả Công ty Phan Thị và bà Phan Thị Mỹ Hạnh với yêu cầu tòa công nhận ông là tác giả duy nhất của bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt, là “cha đẻ” sáng tạo ra bốn hình tượng nhân vật Trạng Tý, Sửu “ẹo”, Dần “béo”, Cả “mẹo” – là các nhân vật trung tâm của bộ truyện này. Đồng thời, ông yêu cầu Công Ty Phan Thị và bà Hạnh không được tiếp tục sáng tác ra các biến thể từ bốn hình tượng nhân vật này, yêu cầu xin lỗi công khai trên một số cơ quan báo chí.
Sau thời gian dài xét xử, HĐXX cho rằng tác giả là người trực tiếp sáng tạo ra một phần hoặc toàn bộ tác phẩm. Bị đơn trình bày là đã “cầm tay chỉ cho ông Linh vẽ” do mình vẽ không đẹp các hình tượng có sẵn trong đầu. Tuy nhiên, để được pháp luật bảo hộ quyền tác giả thì tác phẩm phải được sáng tạo, thể hiện dưới một hình thức nhất định và ngoài ông Linh ra thì không có ai tham gia sáng tạo bốn hình tượng nhân vật này. Từ đó, tòa cho rằng có căn cứ công nhận ông Linh là tác giả của Thần đồng đất Việt, bà Hạnh không phải là đồng tác giả.
Trong hồ sơ vụ án có văn bản ngày 29-3-2002 gửi Cục Bản quyền tác giả xác nhận ông Linh và bà Hạnh được Công ty Phan Thị giao nhiệm vụ thực hiện tác phẩm với bản vẽ bốn hình tượng nhân vật Trạng Tý, Sửu “ẹo”, Dần “béo”, Cả “mẹo” để in trên bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt.
Về nội dung văn bản này, HĐXX cho rằng đây là sự tự nguyện của các bên nên được tôn trọng và không làm thay đổi quyền và nghĩa vụ của các bên và nội dung cũng không xác định ông Lê Linh và bà Hạnh là đồng tác giả. Ngoài ra, quyền đứng tên tác phẩm của tác giả là quyền nhân thân vốn không thể chuyển giao, vì vậy dù ông Linh có đồng ý chuyển giao hay không thì việc chuyển giao này cũng là vô hiệu.
Từ những lập luận, phân tích trên và sau thời gian nghị án HĐXX đã tuyên bản quyền tác giả của bộ truyện tranh này thuộc về ông Lê Linh. Đồng thời, chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn buộc bị đơn phải bồi thường chi phí luật sư cho nguyên đơn với số tiền là 15 triệu đồng và xin lỗi công khai nguyên đơn trên các báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên trong ba kỳ liên tiếp.
Lý lẽ, lập luận của hai bên
Trước đó, tại tòa, các bên lần lượt đưa ra những bằng chứng để chứng minh mình chính là người đã “dựng nên” hình tượng nhân vật của Thần đồng đất Việt.
Họa sĩ Lê Linh đưa ra những bức họa hình vẽ sơ phác hình ảnh nhân vật trong những ngày đầu khi bộ truyện tranh đang dần hoàn thiện cả về hình ảnh lẫn nội dung. Ông Linh cho rằng mình là người đã trực tiếp sáng tạo ra bốn hình tượng nhân vật, đồng thời xây dựng ý tưởng, lên kịch bản cho truyện. Ông đã phải nghiên cứu nhiều tư liệu để tạo ra được sản phẩm ưng ý. Còn bà Hạnh là người làm công tác tổ chức, không tham gia bất cứ công đoạn nào trong sáng tác nên không phải là tác giả.
Đại diện phía bị đơn, luật sư Nguyễn Vân Nam cho rằng chính bà Hạnh mới là tác giả của bốn hình tượng nhân vật này, ông Linh chỉ là người vẽ lại ý tưởng của bà Hạnh. Theo đó, bà Hạnh đã từ lâu muốn tạo ra một bộ truyện dành cho thiếu niên, nhi đồng trên cơ sở xây dựng các điển cũ tích xưa của những nhân vật lưu danh, dân gian truyền tụng… thành một bộ truyện tranh với những hình tượng nêu trên.
Theo ông Nam, bà Hạnh không phải là họa sĩ nên để thực hiện ý tưởng này bà cần một họa sĩ giỏi vẽ, vẽ đẹp và ông Lê Linh chính là lựa chọn của bà. Thỏa thuận đồng tình của đôi bên đi đến hợp tác bằng một bản hợp đồng làm việc, theo đó ông Linh sẽ vẽ minh họa với mức lương 1,5 triệu đồng/tháng, thực hiện theo chỉ đạo của bà Hạnh. Chính là bà Hạnh đã “cầm tay chỉ cho ông Linh vẽ”; ngoài ông Linh, bà Hạnh còn thuê thêm một nhóm nữa để thực hiện… (Nguồn plo.vn)
>>> Xem thêm: Bắt vụ vận chuyển lượng ma túy khủng ngày cuối năm