Phải xem Grab là doanh nghiệp kinh doanh taxi

Đại diện Grab nghe tòa tuyên án

TAND TP HCM đã tuyên án vụ kiện dân sự “Tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” giữa nguyên đơn là Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) và bị đơn là Công ty TNHH Grab (Grab).

HĐXX đã chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Vinasun:

Buộc Grab bồi thường 4,8 tỉ đồng. Về án phí, Grab chịu 112 triệu đồng; Vinasun chịu 140 triệu đồng. Vinasun chịu chi phí giám định hơn 2 tỉ đồng và Grab chịu 347 triệu đồng.

Đáng chú ý, HĐXX kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Bộ Tài chính, BHXH và cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần xây dựng lại khung pháp lý hạn chế số lượng ôtô, tránh gây ách tắc giao thông, đầu tư doanh nghiệp kinh doanh như Grab để chống độc quyền.

HĐXX nhận định ứng dụng công nghệ đã đem lại nhiều lợi ích nên cần phát triển nhưng:

Grab còn bộc lộ nhiều sai phạm. Trước những sai phạm này, Bộ GTVT chưa có quy định kịp thời nhằm phát hiện những vi phạm của các đơn vị tham gia thí điểm. Do vậy, Bộ GTVT phải xem Grab là doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi, phải sửa lại nội dung Đề án 24. Ngoài ra, mô hình của Grab dẫn đến thất thu thuế của nhà nước là rất cao; do đó Bộ Tài chính cần có những định chế theo đúng quy định để tránh thất thu thuế. Thời gian qua, với số lượng tài xế 175.000 người thì mỗi năm quỹ BHXH không thu được hơn 2.800 tỉ đồng từ Grab.

Đại diện Grab nghe tòa tuyên án
Đại diện Grab nghe tòa tuyên án

HĐXX kiến nghị Bộ GTVT, Bộ Tài chính và BHXH chấn chỉnh, xem xét lại tình trạng nêu trên. Theo HĐXX, ngành nghề kinh doanh của Grab là vận tải hành khách đường bộ nội thành, ngoại thành. Quá trình xét xử vụ án, đủ căn cứ xác định Grab là đơn vị kinh doanh vận tải taxi. Về phía Vinasun, căn cứ báo cáo tài chính, hãng này bị giảm sút hơn 41,2 tỉ đồng. Grab chỉ là đơn vị cung cấp ứng dụng kinh doanh vận tải nhưng vận hành như một doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi. Grab đã vi phạm Luật Doanh nghiệp khi kê khai không đúng ngành nghề kinh doanh, vi phạm về khuyến mãi.

HĐXX nhận định Grab vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam:

Cụ thể, Grab vi phạm Đề án 24 từ năm 2016 và 6 tháng năm 2017, Sở GTVT TP HCM đã kiểm tra, phát hiện 129 trường hợp vi phạm với số tiền 429 triệu đồng khi lái xe chạy với ứng dụng công nghệ. Grab còn vi phạm khi cho phép khách hàng sử dụng dịch vụ Grab Share (khách hàng đi chung xe); vi phạm trong tăng/giảm giá cước trong ngày. Từ đó, Grab đã vi phạm Nghị định 86 và vi phạm Đề án 24 là hành vi vi phạm nghiêm trọng nhất.

Về mối quan hệ giữa việc vi phạm pháp luật của Grab và thiệt hại của Vinasun:

HĐXX dẫn dắt việc tăng trưởng doanh thu của các phương tiện vận tải khác. Việc sụt giảm doanh thu của taxi truyền thống là do sự xuất hiện của Grab. Grab không ngừng tăng trưởng, thực hiện khoảng 2 triệu chuyến xe mỗi tháng trong khi đó, số lượng xe nằm bãi, không hoạt động của Vinasun ngày càng nhiều.

Từ đó, HĐXX tổng kết Vinasun đã thiệt hại khoảng 85 tỉ đồng (bao gồm sụt giảm doanh thu 4,8 tỉ đồng và vốn hóa thị trường giảm 81 tỉ đồng); Grab đã tạo ra sự dịch chuyển doanh thu từ Vinasun sang Grab. HĐXX đã chứng minh được Grab vi phạm pháp luật và sự sụt giảm của Vinasun là có căn cứ, số tiền thiệt hại trong mối quan hệ nhân quả này là hơn 4,8 tỉ đồng. Tuy nhiên, theo tòa thì việc giảm vốn hóa thị trường không chứng minh được là do Grab gây ra. Từ đó, HĐXX chấp nhận quan điểm xác định thiệt hại của Vinasun là 4,8 tỉ đồng do Grab gây ra; số còn lại hơn 36 tỉ đồng là không có cơ sở xác định. 

>>> Xem thêm: Nhìn lại năm 2018: Quan hệ Mỹ Trung, Liên Triều và Biển Đông