Mang thai tháng thứ mấy thì được giảm giờ làm?

“Xin chào tư vấn luật Lawkey! Tôi là lao động nữ tại công ty sản xuất bánh kéo Y, công việc chủ yếu của tôi là bốc xếp hàng hóa bánh kẹo. Hiện tôi đang mang bầu tháng thứ 5, theo tôi được biết thì nếu là việc nặng nhọc thì khi mang thai sẽ được chuyển làm việc nhẹ nhàng hoặc giảm giờ làm. Vậy cho tôi hỏi Mang thai tháng thứ mấy thì được giảm giờ làm?”


Mang thai tháng thứ mấy thì được giảm giờ làm?

Lawkey xin được trả lời như sau:

Mang thai từ tháng thứ bảy sẽ được giảm giờ làm:

Cụ thể Điều 155 Bộ luật lao động 2012 quy định như sau:

” 1. Người sử dụng lao động không được sử dụng lao động nữ làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa trong các trường hợp sau đây:

a) Mang thai từ tháng thứ 07 hoặc từ tháng thứ 06 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo;

b) Đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

2. Lao động nữ làm công việc nặng nhọc khi mang thai từ tháng thứ 07, được chuyển làm công việc nhẹ hơn hoặc được giảm bớt 01 giờ làm việc hằng ngày mà vẫn hưởng đủ lương.

3. Người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết hoặc người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động.

4. Trong thời gian mang thai, nghỉ hưởng chế độ khi sinh con theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, lao động nữ không bị xử lý kỷ luật lao động.

5. Lao động nữ trong thời gian hành kinh được nghỉ mỗi ngày 30 phút; trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi, được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.”

Như vậy có thể thấy, khoản 2 Điều 155 quy định rằng đối với lao động nữ đang mang thai mà làm việc công việc nặng nhọc thì sẽ được chuyển xuống công việc nhẹ nhàng hoặc được giảm bớt 01 giờ làm việc hàng ngày mà vẫn hưởng nguyên lương.

Những công việc nào là công việc nặng nhọc?

Thông tư 36/2012/TT-BLĐTBXH quy định về các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, xét thấy có thể liệt kê những công việc nặng nhọc đó là:

  • Khai thác quặng kim loại màu bằng phương pháp hầm lò
  • Thủ kho và bảo quản hóa chất phục vụ việc phân tích, phân loại hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu
  • Bốc xếp thủ công
  • Lái máy san
  • Phun bi, tẩy rỉ kim loại
  • Vận hành máy đầm, máy rung, máy dùi, máy xiết đinh đường sắt
  • Sản xuất bê tông (tà vẹt bê tông, cấu kiện bê tông…)
  • Gác chắn đường ngang
  • Thợ máy tàu
  • Sỹ quan thủy thủ, thuyền viên trên tầu vận tải
  • Sửa chữa gầm, máy các loại ô tô, xe nâng container
  • Bê khung, động cơ xe trong dây chuyền sản xuất xe máy
  • Cấp phát nhiên liệu và vận hành hệ thống xăng tái chế
  • Pha trộn cát làm khuôn đúc
  • Phá khuôn đúc bằng chầy hơi
  • Vận hành trạm bơm tuần hoàn nước hồ xỉ nhà máy nhiệt điện than
  • Vận hành thiết bị kênh nước tuần hoàn và thiết bị thải trên hồ xỉ nhà máy nhiệt điện
  • Quản lý và vận hành trạm biến áp từ 110KV đến dưới 500 KV

Như vậy,đối với trường hợp của bạn đang là làm công việc nặng nhọc. Do đó từ tháng thứ bảy mang thai bạn có quyền yêu cầu doanh nghiệp chuyển cho làm công việc nhẹ nhàng hoặc được bớt 01 giờ làm việc hàng ngày mà vẫn hưởng lương như bình thường.


Trên đây là câu trả lời của tư vấn luật Lawkey về câu hỏi Mang thai tháng thứ mấy thì được giảm giờ làm?

>>> Xem thêm: Nghỉ đóng BHXH trước khi sinh có được hưởng chế độ thai sản?