Hướng dẫn xử lý hóa đơn điện tử đã lập nhưng bị sai sót

Công ty luật Lawkey xin giới thiệu tới bạn đọc cách hướng dẫn xử lý hóa đơn điện tử đã lập nhưng bị sai sót như sau:

Hóa đơn điện tử

Hóa đơn điện tử là tập hợp thông điệp dữ liệu về bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ được tạo, lập, gửi, nhận, lưu trữ quản lý bằng phương tiện điện tử.
Cụ thể, theo Nghị định số 119/2018/NĐ-CP, Chính Phủ đã định nghĩa hóa đơn điện tử như sau: “Hóa đơn điện tử là hóa đơn được thể hiện ở dạng dữ liệu điện tử do tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ lập, ghi nhận thông tin bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, ký số, ký điện tử theo quy định tại Nghị định này bằng phương tiện điện tử, bao gồm cả trường hợp hóa đơn được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế.”

Hóa đơn điện tử có hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế và hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế.

Hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế và hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế

– Hóa đơn điện tử (HĐĐT) có mã của cơ quan thuế: Là HĐĐT được cơ quan thuế cấp mã trước khi tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ gửi cho người mua, bao gồm cả trường hợp hóa đơn được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế.

– Hóa đơn điện tử (HĐĐT) không có mã của cơ quan thuế: Là HĐĐT do tổ chức bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ gửi cho người mua không có mã của cơ quan thuế, bao gồm cả trường hợp hóa đơn được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế.

Về cách xử lý hóa đơn điện tử đã lập nhưng bị sai sót

Thứ nhất, xử lý HĐĐT có sai sót sau khi cấp mã của cơ quan thuế

Trường hợp HĐĐT chưa gửi cho người mua có phát hiện sai sót thì:

– Người bán thực hiện thông báo về việc hủy hóa đơn điện tử có mã đã lập có sai sót với cơ quan thuế (theo Mẫu số 04 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 119/2018/NĐ-CP).

– Và lập hóa đơn hóa đơn điện tử mới, ký số, ký điện tử gửi cơ quan thuế để cấp mã hóa đơn mới thay thế hóa đơn đã lập để gửi cho người mua.

Trường hợp HĐĐT đã gửi cho người mua có phát hiện sai sót thì:

– Người bán và người mua phải lập văn bản thỏa thuận ghi rõ sai sót hoặc thông báo về việc hóa đơn có sai sót (nếu sai sót thuộc trách nhiệm của người bán).

– Đồng thời, người bán thực hiện thông báo về việc hủy hóa đơn điện tử có mã đã lập có sai sót với cơ quan thuế (theo Mẫu số 04 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 119/2018/NĐ-CP).

– Và lập hóa đơn hóa đơn điện tử mới, ký số, ký điện tử gửi cơ quan thuế để cấp mã hóa đơn mới thay thế hóa đơn đã lập để gửi cho người mua.

Trường hợp cơ quan thuế phát hiện sai sót hóa đơn đã được cấp mã thì:

– Cơ quan thuế sẽ thông báo cho người bán để người bán kiểm tra sai sót (theo Mẫu số 05 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 119/2018/NĐ-CP).

– Trong thời gian 02 ngày kể từ ngày nhận được thông báo của cơ quan thuế, người bán thực hiện thông báo với cơ quan thuế về việc hủy hóa đơn điện tử có mã đã lập có sai sót (theo Mẫu số 04 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 119/2018/NĐ-CP) và lập hóa đơn điện tử mới, ký số, ký điện tử gửi cơ quan thuế để cấp mã hóa đơn điện tử mới thay thế hóa đơn điện tử đã lập để gửi cho người mua.

Thứ hai, xử lý HĐĐT không có mã của cơ quan thuế đã lập

Trường hợp doanh nghiệp đã lập HĐĐT và gửi cho người mua có sai sót (do người bán hoặc người mua phát hiện) thì:

– Người bán và người mua phải lập văn bản thỏa thuận ghi rõ sai sót.

– Đồng thời, người bán thực hiện thông báo về việc hủy hóa đơn điện tử có mã đã lập có sai sót với cơ quan thuế (theo Mẫu số 04 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 119/2018/NĐ-CP).

– Và lập hóa đơn điện tử mới thay thế hóa đơn đã lập có sai sót gửi cho người mua, cơ quan thuế.

Trường hợp sau khi nhận dữ liệu hóa đơn, cơ quan thuế phát hiện HĐĐT đã lập có sai sót thì:

– Cơ quan thuế thông báo cho người bán để người bán kiểm tra sai sót (theo Mẫu số 05 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 119/2018/NĐ-CP).

– Trong thời hạn 02 ngày kể từ ngày nhận được thông báo của cơ quan thuế, người bán thực hiện thông báo này về việc hủy hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế với cơ quan thuế (theo Mẫu số 04 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 119/2018/NĐ-CP) và lập hóa đơn điện tử mới thay thế hóa đơn đã lập để gửi cho người mua, cơ quan thuế.

Trên đây là những thông tin hữu ích về việc hướng dẫn xử lý hóa đơn điện tử đã lập nhưng bị sai sót. Nếu có bất kỳ thắc mắc gì, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài tư vấn luật Lawkey hoặc thư điện tử để được giải đáp, tư vấn chi tiết hơn.