Phân loại tài sản cố định trong kinh doanh

Phân loại tài sản cố định (TSCĐ) là việc phân chia toàn bộ TSCĐ trong doanh nghiệp theo những tiêu thức nhất định nhằm phục vụ cho yêu cầu quản lý của doanh nghiệp. Cụ thể, căn cứ vào mục đích sử dụng của TSCĐ, doanh nghiệp sẽ tiến hành phân loại TSCĐ theo các chỉ tiêu sau:

1. Tài sản cố định dùng cho mục đích kinh doanh của doanh nghiệp

Tài sản dùng cho mục đích kinh doanh của doanh nghiệp có thể phân loại thành tài sản cố định hữu hình và tài sản cố định vô hình:

Đối với tài sản cố định hữu hình

Doanh nghiệp phân thành 7 loại sau đây:

– Loại 1: Nhà cửa, vật kiến trúc là tài sản được hình thành sau quá trình thi công xây dựng như trụ sở làm việc, nhà kho, đường xá, cầu cống,…

– Loại 2: Máy móc, thiết bị dùng trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp như máy móc chuyên dùng, thiết bị công tác, dây chuyền công nghệ, những máy móc đơn lẻ,…

– Loại 3: Phương tiện vận tải; thiết bị truyền dẫn (như hệ thống thông tin, hệ thống điện,…).

– Loại 4: Thiết bị, dụng cụ dùng trong công tác quản lý hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp như máy vi tính phục vụ quản lý, thiết bị điện tử, thiết bị, dụng cụ đo lường,…

– Loại 5: Vườn cây lâu năm (như vườn cà phê, vườn chè, vườn cao su,…); súc vật làm việc và/hoặc cho sản phẩm (như đàn voi, đàn ngựa, đàn trâu, đàn bò…).

– Loại 6: Các TSCĐ là kết cấu hạ tầng, có giá trị lớn do Nhà nước đầu tư xây dựng từ nguồn ngân sách nhà nước giao cho các tổ chức kinh tế quản lý, khai thác, sử dụng.

– Loại 7: Các loại tài sản cố định khác là toàn bộ các TSCĐ chưa được liệt kê vào sáu loại trên.

Đối với tài sản cố định vô hình

Doanh nghiệp phân thành: quyền sử dụng đất, quyền phát hành, bằng sáng chế phát minh, tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, sản phẩm, kết quả của cuộc biểu diễn nghệ thuật, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, bí mật kinh doanh, nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý, giống cây trồng và vật liệu nhân giống.

2. Tài sản cố định dùng cho mục đích phúc lợi, sự nghiệp, an ninh, quốc phòng

Là những TSCĐ do doanh nghiệp quản lý sử dụng cho các mục đích phúc lợi, sự nghiệp, an ninh, quốc phòng trong doanh nghiệp. Và các TSCĐ này cũng được phân loại theo quy định như đối với TSCĐ dùng cho mục đích kinh doanh của doanh nghiệp.

3. Tài sản cố định bảo quản hộ, giữ hộ, cất giữ hộ

Là những TSCĐ mà doanh nghiệp bảo quản hộ, giữ hộ cho đơn vị khác hoặc cất giữ hộ cho Nhà nước theo quy định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Lưu ý: Tuỳ theo yêu cầu quản lý của mình, mà doanh nghiệp sẽ tự phân loại chi tiết hơn các TSCĐ trong từng nhóm sao cho phù hợp với yêu cầu quản lý của mình và tuân theo các quy định trên.