Ngày nay, việc hình thành kinh doanh hộ cá thể không còn xa lạ nữa. Tuy nhiên không phải hộ cá thể nào cũng có khả năng duy trì hoạt động kinh doanh liên tục, mà có thời gian phải tạm ngừng lại. Vậy thủ tục tạm ngừng kinh doanh của hộ kinh doanh như thế nào?
Tạm ngừng hoạt động hộ kinh doanh
Hộ kinh doanh do một cá nhân là công dân Việt Nam hoặc một nhóm người hoặc một hộ gia đình làm chủ; chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm; sử dụng không quá mười lao động; không có con dấu và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh.
Hộ kinh doanh không có con dấu, không được mở chi nhánh, văn phòng đại diện; không được thực hiện các quyền mà doanh nghiệp đang có như hoạt động xuất nhập khẩu hay áp dụng Luật phá sản khi kinh doanh thua lỗ.
Tạm ngừng kinh doanh là việc doanh nghiệp tạm thời không thực hiện những hoạt động kinh doanh; nghĩa là doanh nghiệp không được ký kết hợp đồng; không được xuất hóa đơn hay có bất kỳ hoạt động nào khác trong thời gian tạm ngừng. Sau khi hết thời hạn, doanh nghiệp phải hoạt động trở lại nếu không phải làm thủ tục giải thể; chuyển nhượng..
Hồ sơ tạm ngừng hoạt động kinh doanh của hộ kinh doanh
Thành phần hồ sơ gồm có:
+ Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của hộ kinh doanh (bản chính).
+ Thông báo về việc tạm ngừng kinh doanh của hộ kinh doanh (Phụ lục III-4 Thông tư 02/2019/TT-BKHĐT). Trong thông báo, hộ kinh doanh cần phải nêu rõ thời gian, lý do của việc tạm ngừng kinh doanh và thời gian hoạt động trở lại.
+ Văn bản ủy quyền cho người đi nộp hồ sơ và nhận kết quả nếu không phải là cá nhân thành lập hoặc người đại diện của hộ gia đình thành lập hộ kinh doanh.
Thủ tục tạm ngừng hoạt động kinh doanh của hộ kinh doanh
Hộ kinh doanh nộp hồ sơ tại cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đã đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế trực tiếp quản lý.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện cấp Giấy xác nhận về việc hộ kinh doanh đăng ký tạm ngừng kinh doanh cho hộ kinh doanh.
Thời hạn tạm ngừng kinh doanh
Thời gian tạm ngừng kinh doanh của hộ kinh doanh không được quá 01 năm.
Lưu ý: Hộ kinh doanh vi phạm quy định về thông báo tạm ngừng kinh doanh thì có thể bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng, và có thể bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.
Căn cứ Điều 42 Nghị định 50/2016/NĐ-CP quy định:
– Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi tạm ngừng kinh doanh mà không thông báo hoặc thông báo không đúng thời hạn bằng văn bản cho cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi hộ kinh doanh đã đăng ký.
– Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
+ Không tiến hành hoạt động kinh doanh trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh;
+ Ngừng hoạt động kinh doanh quá 06 tháng liên tục mà không thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện.
Mặt khác, Điều 78 Nghị định 78/2015/NĐ-CP thì hộ kinh doanh bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh trong các trường hợp sau:
– Không tiến hành hoạt động kinh doanh trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh;
– Ngừng hoạt động kinh doanh quá 06 tháng liên tục mà không thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đăng ký.
Trên đây là bài viết về tạm ngừng kinh doanh hộ cá thể mà Lawkey gửi tới bạn đọc, nếu có bất kỳ thắc mắc gì vui lòng liên hệ tới Lawkey để được giải đáp chi tiết nhất.